Tuesday, May 27, 2014

Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng

Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng

Lớp Mẫu Giáo:

Lớp 2:

 Lớp 4:
Lớp 5:

Các bạn, SH đang ráng nhớ lại, 39 năm rời trường rùi, đâu dễ gì nhớ lại . Nhờ các bạn nói tên ra mới nhớ lại lần lần. SH nhớ Huỳnh Công Hồng là cô cao cao và hay ... làm điệu, (hihi, hy vọng Hồng hong có wánh SH) , nhớ ra Tâm Châu, Tâm Nhân, Diệu Anh, ... nhớ mang máng Phương Anh và Minh Nguyệt, nhớ anh em Thơm Thảo vì học chung lớp 6. Nhớ Chiếm Trang vì tuy hong học chung nhưng đi chung xe trường cô 5, chú 6. Hồi xưa có 2 chiếc xe trường: 1 của cô 5, chú 6, đậu ở góc Đề Thám, Bùi Viện, 1 của bà Xẩm, chẳng biết đậu ở đâu. Bà Xẩm rất dễ thương, sau này SH chuyển qua đi xe trường của bà, thỉnh thoảng nghe bạn bè xúi xin tiền của bà ăn vặt, bà xoè ra cho mỗi đứa đồng tiền loại 5 đồng, loại tiền đồng này rất ngộ, khác hẳn các đồng tiền khác vì chung quanh nó là hình như răng cưa, chứ hong tròn vành vạch như loại 10 đồng ... 5 đồng lúc đó mua được 1 bịch mì gói vụn loại nhỏ nhất . Nhớ lúc đó ngoài những gian hàng bán đồ ăn, đồ chơi được lót bằng những tấm bạt thì còn có gian hàng bán truyện tranh, mà lúc đó nổi tiếng nhất là truyện Con Quỷ Một Giò, sợ lắm nhưng cũng lén lén coi ké bạn bè ..... Lại nhớ có 1 lần có 1 người lọt xuống cống dính sình đen ngòm gần cổng trường, chú 6 lấy xe truờng chở anh ta về nhà dùm, làm đám học trò đứng chờ lố nhố vì chú 6 còn phải rửa xe lại trước khi chở học sinh. Nhớ ở gần cổng sau của trường là 1 khu nhà cho nhân viên của trường ở. Trong khu này có 1 nhà bán kẹo bánh để học sinh mua ăn trong giờ ra chơi. Hình như bà 5 hay rót mực tím cho mình là ở trong khu này. Ngày xưa đi học chỉ đem viết, hong cần đem mực, vì mỗi bàn đều có "build-in" 1 bình mực tím lúc nào cũng đầy nhóc mực do bà 5 "refill" mỗi ngày dùm . Nhớ có 1 góc trường trồng toàn cây chuối, bọn con trai hay lẻn vào chơi ... đánh lộn trong đó, sau này vườn chuối được xây thành 1 building nhiều tầng để dùng làm lớp học. Nhớ nhà vệ sinh hình dấu cộng nằm chình ình giữa sân trường . Mỗi lần trời mưa mà phải đi vệ sinh thì ngại lắm. Nhớ bài hát của riêng trường là "Hồng Bàng, Hồng Bàng rộng đôi cánh trên trời xanh, ... Học sinh Hồng Bàng đi lên ta đi lên, ..." chỉ nhớ được vài câu, hong nhớ hết ! Còn ai giữ bản nhạc "Hồng Bàng" này không ?

Bảng Danh Dự:

Wednesday, May 21, 2014

Chuyện câu cua

Chuyện câu cua
Gỡ cua ra khỏi giỏ (hình lượm trên net)
 
Hồi xưa hồi xưa, tức là lúc mới qua Mỹ, nghe thiên hạ đồn, là câu cua vào lúc nửa đêm thì mới có nhiều cua, họ còn bảo là mỗi đêm họ xách về 2, 3 thùng, mỗi thùng là 5 gallons, đầy nhóc cua là cua, nghe mà ham, mà khoái ... !

Hình như là, dù là dân Sài Gòn chính hiệu, tức là dân thành thị, nhưng ai cũng thích câu cá, câu cua, trồng cây, hái trái, tức là có máu ... nông dân trong người ?

Vậy là dĩ nhiên tụi tui cũng khăn gói chuẩn bị đồ nghề câu cua !

 Giỏ câu cua tức crab net (hình lượm trên net)

Đồ nghề cũng khá đơn giản: đầu tiên phải mua cái giỏ để câu cua (crab net), giỏ được bán ở các tiệm bán đồ thể thao (sporting goods), hoặc các tiệm bán mồi câu (bait house), mua thêm 1 sợi dây thừng dài vài chục feet để cột giỏ cua và thòng nó xuống biển, rồi kiếm thêm vài cái thùng xà bông cũ, loại 5 gallons, mang theo để dành đựng cua, vài cái bao rác loại lớn nhất để trùm nguyên cái giỏ câu cua lại cho sạch, không để lại mùi tanh trong xe. Mồi thì đi ra chợ mua mấy cái đùi gà, hoặc nửa con gà (nghe mà lạ, nhưng là sự thật, vì bên Mỹ thịt gà rất rẻ) rùi quăng ngoài sân 1, 2 ngày đêm cho nó ương sình lên, thúi hoắc, rồi cột vào một cái bao lưới nhỏ, sau đó cột bao lưới vào đáy giỏ câu cua !


Nhà bán mồi câu, tức Bait House (hình lượm trên net)

Vậy là xong, là chuẩn bị lên đường tiến thẳng San Francisco!

Ở San Francisco có rất nhiều chổ câu cua, đáng kể nhất là các cầu tàu, khu vực chung quanh cầu Golden Gate,... nhưng nổi tiếng nhất là Fisherman Wharf, tức là một cái cầu tàu do chính phủ xây dựng chỉ để cho dân mê câu thoả lòng mà mò ra đây câu cá, câu cua !

 Fisherman Wharf of San Francisco (hình lượm trên net)

Nhưng vì là ở Mỹ cho nên trước khi câu cá, câu cua, chúng ta cần phải biết luật câu cái đã ! Luật cũng khá dễ, đòi hỏi tất cả mọi người trên 14 tuổi phải có ... giấy phép (license) mới được câu cá, câu cua, ... ! Các bạn đừng ngại, vì luật có ngoại lệ, là nếu bạn đứng trên một cầu tàu do chính phủ xây dựng (public pier) nhô ra sông ra biển thì không cần giấy phép gì cả ! Fisherman Wharf là một public pier, do đó không cần giấy phép nếu đứng câu trên đó ! 

Miếng thịt gà để làm mồi câu được cột chặt vào 1 cái lồng nhỏ, hoặc 1 túi lưới, rồi sau đó cột túi hoặc lồng chặt vào lưới câu (hình lượm trên net)

Dù có hay không có giấy phép, thì bạn bắt buộc phải tuân thủ theo vài điều lệ nữa, là chỉ được câu các loại cua đá (rock crab) mà thôi, chứ còn loại Dungeness crab (hay bị gọi nhầm là cua Canada) thì cấm không được bắt, nếu nó vô lưới thì mình phải quăng xuống biển lại, lý do là loại cua này mà vào bờ biển California là do nó chuẩn bị sinh đẻ, cho nên không ai được bắt cả ! 

Người Việt hay gọi là cua này là cua Canada, thật ra là Dungeness crab . Loại này không được phép đem về, nếu vào lưới thì phải thả lại xuống biển ngay (hình lượm trên net)

Còn các loại cua đá tuy được phép bắt, nhưng chỉ con nào có bề ngang của cái mai ít nhất là 4 inches, thì mới được đem về, nếu dưới thì phải thả xuống biển lại ! Phe ta rất ... thông minh, thay vì mang theo cây thước để đo con cua, thì chỉ cần móc bóp, moi một tờ tiền giấy ra, tiền giấy ở Mỹ dù là mệnh giá nào thì cũng cùng một kích thước, và là khoảng 4 inches bề ngang, do đó, hễ con cua nào có bề ngang bằng một đồng trở lên, thì cứ yên tâm mà đem về !

11 giờ khuya ra khỏi nhà, tới Fisherman Wharf ở San Francisco đậu xe xong là đúng nửa đêm, lăng xăng vác đồ nghề đi lên cầu tàu để câu, lòng vui hớn hở, mong được vô mánh đậm, kiếm vài thùng cua đem về .... 

Chọn đại một chổ có ghế ngồi nào có lưng tựa để tránh gió mà đóng quân, sau đó móc mồi gà thúi ơi là thúi ra để cột vào giỏ câu, đứng tựa lan can cầu tàu, thả cái giỏ xuống từ từ, đến khi cảm thấy nó chạm đáy thì cột dây lại, rồi ngồi chờ, ngồi đợi như đợi ... người yêu, 15 phút sau nhẹ nhàng kéo cái giỏ lên, nếu may mắn thì có cua bu đầy đáy giỏ !

Thả giỏ câu cua xuống biển (hình lượm trên net)

Nhưng thiên hạ không nói rõ là đêm có trăng hay không trăng thì cua mới ăn mồi ! Đêm nay trăng sáng vành vạch, thấy mặt người mờ mờ trong đêm, mới sực nhớ ra rằng nghe nói đêm trăng thì cua ốp, thịt bở , và cua không ăn mồi nhiều, cho nên nửa đêm ngồi chịu trận gió lạnh thổi đến mấy tiếng đồng hồ mà chỉ kiếm được khoảng 10 con đủ tiêu chuẩn (các con dưới tiêu chuẩn phải quăng trở lại xuống biển), rồi thì cuốn gói ra về, lòng cũng vẫn vui, vì có còn hơn không !


Cua đá tức rock crab, được phép đem về (hình lượm trên net)

Sau này tôi có lê lết vác giỏ đi câu vòng vòng San Francisco nữa, chủ yếu là vui, hôm nào mà có được khoảng hơn 10 con là đủ khoái chí lắm rồi, tuy có lẽ là không đủ vốn xăng dầu, mồi, công sức , .... !

May 2014,
SH