Wednesday, January 30, 2013

Tuổi hoa niên

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ..."

Tuổi hoa niên
Aza Lee

Năm Tân Mão muốn viết lăng quăng vớ vẩn về mèo mà nghĩ mãi chả biết viết gì. Lại nhớ có con cháu gái sinh năm Kỷ Mão, tức là năm nay tròn mười ba tuổi ta. Tuổi này nếu ở Việt nam thì vẫn thuộc về tuổi ... nhi đồng, cơm ăn còn dính mép, mấy thằng nhóc tì có khi còn ở trần đá banh ngoài đường. Nhưng ở bên Đức này khó mà nói được khi nào … em còn được gọi là "em bé ngoan"

Vì chúng em đi học đều
Đi học em ngồi nghe rất chăm
Cô giáo khuyên đều vâng theo
(Phan Huỳnh Điểu)

và khi nào em bắt đầu bước vào tuổi hoa niên.

Tuổi hoa niên theo như định nghĩa của người Đức có ghi trong bộ luật dân sự đàng hoàng (Bürgerliches Gesetzbuch, BGB) là từ 14 đến 17 tuổi, tức là lúc mà con gái sáng trước khi đi học chải tóc không dưới 20 phút và con trai giọng bắt đầu ồm ồm đổi sang tông "cờ" như ... cứng đầu, như .. cãi bướng, gọi với từ chung hay xài là tuổi "teenager".

Teenager có nguồn gốc từ tiếng Anh, tức là tuổi giữa 13 (thirteen) và 19 (nineteen) vì các con số tử 13 đến 19 trong tiếng anh đều kết thúc bằng chữ "teen". Do bên xứ âu tây sáng bánh mì bơ sữa, chiều … sữa bánh mì bơ, nên cái đám "tí nị" (teenie) này mới mười hai mười ba tuy không phải đánh quân Nguyên mà cơ thể đã phát triển nhanh còn hơn Phù Đổng. Ở cái tuổi mà ông Phạm duy phán cho là "Tuổi mộng mơ"

Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
Em ước mơ em là, em được là tiên nữ
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ tiên!

thì tôi được nghe ông anh tôi than phiền là đứa con gái mười hai tuổi chỉ ưóc mơ áo khoác hiệu Bench, bà hàng xóm gặp tôi là lải nhải thằng con trai mười bốn tóc nhuộm xanh đỏ bôi keo dựng sừng sững như mào gà, quần mặc xệ lòi xà lỏn v.v.

Không hiểu do thế giới phát triển quá nhanh về cả vật chất lẫn thông tin hay do đó là quá trình tự nhiên của xã hội tân tiến mà cái đám "tí nị" ngày nay khác hẳn lứa tuổi hoa niên của tôi ngày trước. Tôi còn nhớ năm 12 tuổi tôi mới lần đầu được đạp xe đạp đến trường một mình, được bố mẹ "phát" tiền quà sáng vì bắt đầu lên trung học là "nhớn" rồi, không còn sáng nào cũng phải ăn món xôi bắp rẻ tiền mẹ tôi mua của bà gánh hàng rong nữa. Bên này mấy ông bà "tí nị" thì rủng rỉnh điện thoại di động, có đứa còn chơi cả iphone, đi học mà trên đầu cứ lủng la lủng lẳng dây điện để nghe "em bê thai" (MP3), trông cứ như là người của hành tinh khác í.

Mười hai tuổi tôi cũng được phép để tóc dài và từ bỏ hẳn mái tóc "Lên-Ngang-Xuống" theo kiều búp bê nhật bản rất ư là nhi đồng của tôi. Sáng sáng mẹ tôi khi thì thắt thành hai cái bím xinh xinh, có lúc cột lên kiểu đuôi ngựa và không bao giờ mẹ tôi quên điểm lên đó một cái nơ thật to. Hôm nọ ngoài phố tôi đang lầm bầm nghĩ bụng "Quái, con cái nhà ai mà tóc tai xõa xượi che hết cả mặt mũi trông ngứa mắt quá" thì bất chợt nó "há lô" chào tôi. Thì ra là … con cháu gái nhà mình. Cái "mô đen" con ma nhà họ Hứa này cũng được đem lên phim nữa đấy các bạn ạ. Trong phim "Gia đình siêu nhân" (The Incredibles) có cô bé biết tàng hình Violet cũng "chơi" kiểu tóc "màn che" này, có nghĩa đây là một triệu chứng chung của các em "tí nị" chứ không phải riêng gì con cháu gái nhà tôi.

Chưa hết. Ở cái

Tuổi là cây bút thon thon ngọc ngà
Tuổi là sách thơm, trong như ngoài bìa
(Tuổi thần tiên - Phạm Duy)

dù lớp tôi có cả nam và nữ tôi chỉ có chơi với vài bạn cùng phái mà thôi. Ngay cả lưu bút cũng chẳng dám đưa cho mấy thằng con trai cùng lớp vì sợ chúng vẩy mực vào và quan trọng hơn nữa là nếu mà đám bạn gái của tôi khám phá ra rằng tôi có liên quan đến bọn đầu húi cua kia thì chúng nó sẽ tẩy chay tôi ngay. Thế mà con cháu gái nhà tôi bạn bè không biết ở đâu ra, trai gái đủ cả, suốt ngày chít chát trên mạng. Chả biết chúng trao đổi với nhau những gì, chỉ biết ông anh tôi có lúc phát cáu, cắt phăng dây điện. Hỏi han các phụ huynh khác thì mới vỡ lẽ ra rằng có gia đình mỗi lần ông bố bước chân ra khỏi nhà thay vì cắp ô thì ôm cái ổ máy dùng để nối mạng hoặc bỏ vào tủ khóa lại, có gia đình thì máy tính để ở phòng ngủ, muốn vào mạng phải ... đánh thức bố mẹ dậy cái đã, chưa kể ông bu bà bu ngồi kè kè bên hông như cai tù ấy. Mới đây tôi còn nghe có mẹo mới là dùng giấy bạc xếp thành hình chóp mũ rồi chụp lên cần ăng-ten của ổ phát sóng WLAN (Wireless Local Area Network, drahtloses lokales Netzwerk), một sáng kiến có một không hai được sinh thành từ sự bất lực trước đà tiến hóa quá nhanh của cộng đồng "tí nị" về lãnh vực Phát-Thông-Nhắn-Nhận tin mà không cần phải ỉ ôi rằng

Ước gì mình đừng ngăn cách
Ước gì nhà mình chung vách
Hai đứa mình thức trắng đêm nay
(Nhớ người yêu - Sáng tác: Hoàng Hoa/Thảo Trang - Ca sĩ: Chế Linh)

Còn một điều cũng nên nói qua là không hiểu bên này quần áo họ may bằng loại vải vóc đặc biệt gì mà đám "tí nị" hễ thay đồ ở đâu là quần áo cứ dính chặt tại chỗ nên chúng nó không thể nhặt đem vất vào trong máy giặt được. Hiện tượng này không phải chỉ tôi thấy ở con cháu gái nhà tôi mà hầu như các đấng sinh thành nào ở đây cũng đều nhất trí cho là đúng cả. Có nhiều gia đình lâu lâu rỗi việc bèn đi thu dọn phòng ốc của dân cư "tí nị" thì phát hiện ra gầm giường chúng nó là nơi thu hồi rác đủ loại, từ giấy kẹo, lon cola đến đồ hộp ăn còn bỏ dở mốc xanh mốc đen cả lên. Chả bù với tôi ngày xưa cứ chiều đến là tôi có phận sự xách thùng rác đi đổ trước khi giúp ngoại tôi nấu cơm. Ăn cơm xong lại được rửa bát. Cứ hai ngày thì lau nhà một lần và khi nào quần áo giặt xong thì đem lên sân thượng phơi.

Chỉ mỗi một điều mà tôi thấy các ông bà "tí nị" này hơn hẳn tuổi hoa niên của tôi ngày xưa. Đó là lòng ... tự tin. Phải thành thực mà nói bên âu tây này lòng tự tin là một đức tính cần thiết để đạt được thành công trong cuộc sống đầy bon chen ở đây. Các em "tí nị" tin chắc như bắp, như đinh đóng cột rằng chúng nó ... biết hết, hiểu hết, nên đôi khi những lời khuyên răn của cha mẹ cứ khoan thai đi du lịch từ tai này sang tai kia mà không để lại dấu vết gì.

Những ước mơ của các bậc phụ huynh

Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên,
Khóm măng non xinh tươi vươn lên
Tuổi hoa niên học cho nên
Xứng đáng công dân hiền
(Minh Kỳ)

tôi thấy sao nó như chuyện khoa học giả tưởng. Thôi thì ta tự an ủi rằng "đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục", miễn sao thế hệ "tí nị" bên này ăn đến nơi, học đến chốn là ta cũng mãn nguyện lắm rồi, đòi hỏi một tuổi hoa niên

Tuổi ấu trí tập rèn chí khí
Để mai sau tràn ngập tương lai
Bước vào đời gắng giúp mọi người
Cùng tiến bước vì đất nước
Giữ non sông thương yêu quê hương

có lẽ chỉ mãi là giấc mơ của một người xa xứ như tôi.

Aza Lee
(12/2010)

No comments:

Post a Comment