Wednesday, June 8, 2016

Vòng tròn cuộc đời

Vòng tròn cuộc đời

Lúc xửa lúc xưa, đầu tiên là bọn tôi đi dự đám cưới của nhau, lúc bọn tôi bước vào lứa tuổi 20, khi thì đi dự đám cưới bạn này, lúc thì đi dự đám cưới bạn khác, gặp nhau nói cười rôm rả … Một thời gian dài sau, khi chúng tôi bước vào ngưỡng cửa 40, 50, thì ba mẹ chúng tôi lần lượt ra đi, hôm thì ba của bạn này, bữa thì mẹ của bạn khác, rất là ưu sầu ảo não . Có lẽ trong một thời gian ngắn, chúng tôi lại rôm rả mời nhau đi dự đám cưới con cái chúng tôi, và sau một thời gian dài nữa, thì lại đến phiên chính chúng tôi lần lượt ra đi, lại là ưu sầu ! Cứ rôm rả rồi lại u buồn, theo những vòng tròn cuộc đời, mới thấy đó, rồi mất đó, sinh lão bệnh tử mà, không ai tránh được ! Tất cả rồi sẽ mất đi, chỉ có kỷ niệm là còn lưu giữ mãi mãi …

Chiều xuống, chúng tôi lục đục lên xe, trực chỉ quận Cam thẳng tiến . Lần này tôi lái, vợ chồng Bính Thuỷ đã chu đáo mua sẵn cho tôi ly cà phê, sợ bận về tôi lái đường xa, buồn ngủ !
Đây không phải là lần đầu chúng tôi đi quận Cam . Bạn bè cũ, một số lớn ở quận Cam, còn chúng tôi ở tận cùng biên giới, tuy xa xôi nhưng mỗi lần bạn bè có gì vui, buồn đều réo gọi nhau . Bạn bè mà, vui cũng chia, buồn cũng san sẻ . Lần này chúng tôi đi chia buồn cùng gia đình Thuỵ Quân, vì mẹ Thuỵ Quân vừa mất …

Nghe lời Quân kể, thì mẹ Quân là một người đàn bà dịu hiền, lúc nào cũng lo lắng cho gia đình, cho con cháu . Khi đi làm gặp chuyện bực mình, thì mẹ Quân chính là nơi Quân xả nổi buồn bực, tuôn ra tâm sự, và mẹ Quân bao giờ lắng nghe, an ủi Quân . Ba mẹ Quân ở nguyên một căn nhà riêng, lúc nào cũng mở rộng cửa đón con cháu, mẹ Quân lại siêng nấu ăn, chiều chuộng đám cháu, cho nên đứa nào muốn ăn món gì, bà cũng sẵn sàng nấu cho …

Trong tang lễ, mấy đứa cháu nội ngoại lên nói sụt sùi, kể lể bà nội, bà ngoại đã nấu cho bọn chúng ăn những gì, ngon làm sao, nhớ làm sao, … làm cũng mũi lòng theo !

Tội cho ba Quân, cứ tưởng ông sẽ đi trước, ai ngờ mẹ Quân bỏ ông ở lại một mình ! Nghe nói hôm Quân chở ông đi thăm mẹ từ bệnh viện về, ông không vào nhà ngay, mà cứ đi săm soi, chăm sóc cây khế, khi thì bực tức khổ sở vì mấy trái khế bị chim ăn, khi thì lăng xăng tưới cây, tỉa lá, … Quân bảo thôi ba vào nhà nghỉ đi, từ từ hãy lo cây cối, thì ông buồn bả bảo “Con không hiểu ba …, cái cây khế này là do mẹ con trồng đó …!”

(Viết tặng người bạn Thuỵ Quân.)

Monday, June 6, 2016

Cọng lông bị thiếu

Cọng lông bị thiếu

Hắn là dân da đỏ trăm phần trăm . Ba da đỏ, mẹ cũng da đỏ, vậy mà hắn tức tối vì không được phép tham dự các lễ hội của người da đỏ . Nguyên do là ba hắn thuộc bộ lạc Navajo, trong khi mẹ hắn thuộc bộ lạc Pueblo, mà lễ hội của người Navajo chỉ cho phép những ai có trăm phần trăm dòng máu Navajo mới được tham dự, và lễ hội của dân Pueblo cũng vậy, chỉ cho phép ai là trăm phần trăm Pueblo được tham gia ! Vậy là hắn chơ vơ, lễ hội nào cũng không được phép tham dự, vì đối với dân da đỏ, thì hắn thuộc loại nửa nạc, nửa mỡ, trong khi đối với dân da trắng (và dĩ nhiên da vàng), thì hắn là dân da đỏ chính thị !
Chú hắn chọc quê hắn, đặt tên lóng cho hắn là Missing Feather, tức là "Cọng lông bị thiếu", vì ý của chú hắn là, chỉ vì hắn thiếu có khoảng một cọng lông, mà hắn không được chấp nhận vào bộ lạc Navajo, hoặc cả Pueblo !
Hắn tức tối lắm, nhưng chẳng làm gì được !
Mãi đến sau này, các bộ lạc mới bỏ đi điều lệ khắc khe, chấp nhận dân nửa nạc nửa mỡ như hắn, thì hắn mới được tham dự các lễ hội của cả hai bên ba và mẹ !

Hắn làm chung với tôi, nhờ hắn, mà tôi biết được các phong tục tập quán của người Mỹ, vì dĩ nhiên tuy hắn là dân da đỏ, nhưng vì sinh ra ở đất nước này, cho nên các phong tục tập quán của dân bản xứ thì hắn rất rành, ví dụ như tục hôn nhau dưới vòng hoa chùm gửi là do hắn nói cho tôi biết . Hoặc các tục ngữ, tiếng lóng, thì hắn rành một cây xanh rờn ! Té ra chữ "brown nose", tức mũi nâu, là để ám chỉ những kẻ ... bợ đít, được hắn giải thích cặn kẻ là do những kẻ bợ đít thường dí sát mũi hôn hít sát vào "phía sau" của xếp, và vì sát quá cho nên cái mũi dính phân màu nâu, và do đó, chữ "brown nose" là để thân ái tặng cho những kẻ chuyên nịnh bợ ...! Hoặc cách ra ám hiệu "bull sh!t", (tức là cứ . bò) , là khoanh hai tay lại, một tay xoè ra hai ngón như sừng bò (ám chỉ chữ bull", và tay kia thì chụm các ngón tay lại rồi xoè mạnh ra, ám chỉ đang ... ị . Hai hành động cộng lại thì ra chữ "bull sh!t", thiệt là không có hắn thì không biết nổi !
Ngày Columbus, trong lúc thiên hạ ăn mừng, học sinh được nghỉ học, thì hắn càu nhàu, nhăn nhó . Hỏi ra thì hắn ghét Columbus, hắn bảo chỉ vì ông này mà người da trắng vào xâm chiếm đất nước của hắn, bây giờ dân da đỏ chỉ còn một nhúm ít ỏi ! An ủi hắn thì hắn cười xoà, bảo hắn chọc tôi cho vui, chứ hắn có tức thì là chuyện đã xưa lắm rồi, mấy trăm năm về trước lận !

Người da đỏ cũng có những món đặc trưng của họ, như là dream-catcher, tức là "bắt lấy giấc mơ" ! Dreamcatcher là một vòng dây đan lại như đan lưới, bên dưới treo lủng lẳng vài sợi lông gà, lông chim . Theo truyền thuyết của người da đỏ thì nếu treo những cái dreamcatchers này trước cửa lều,  thì những cái này sẽ bắt giữ lấy những giấc mơ của mình, giúp mình nhớ lại được những gì đã xảy ra trong cơn mơ !





 
(Pictures from http://dreamcatcher.com/)

Mùa hè đang đến, cũng là mùa lễ hội của dân da đỏ . Ngày nay có những lễ hội "open to the public", tức là mở rộng cửa đón chào mọi người . Da trắng, da đen, da vàng, da đỏ ... gì cũng tha hồ vào xem thoải mái, và cũng tha hồ mua những món quà lưu niệm (souvenirs) do người da đỏ tự làm ra . Họ bán nhiều nhất là dream-catchers, và key-chains (đồ móc khoá) . Key chain của họ phần đông được đính từ những hột cườm nho nhỏ, đủ màu sắc, và theo những hoa văn đặc biệt của người da đỏ !
Mẹ hắn là một tay chuyên đính key chains để bán trong mùa lễ hội . Năm ngoái khi hắn bay về tiểu bang New Mexico thăm mẹ hắn và dự lễ hội của dân da đỏ, thì hắn có đem về tặng tôi một cái key chain do mẹ hắn tự tay đính ! Cám ơn hắn và hỏi hắn bao nhiêu để gởi lại cho mẹ hắn, thì hắn khua tay, bảo "never mind, it's just a gift from me to you", tức là "đừng bận tâm, chỉ là món quà tôi tặng anh" !


 
Món quà của anh bạn da đỏ

... Sau này, cứ gạn hỏi thường thì mẹ hắn bán bao tiền một cái, tra vấn hắn hoài hắn chịu không nổi, mới xì ra là cái này (dài khoảng gang tay) bán giá $30, ngoài ra còn có cái bự hơn, thì giá khoảng $70.
Té ra cũng mắc ghê, vậy mà hắn tặng tôi !
June 6th, 2013.
SH

Friday, June 3, 2016

Tràng dây Chùm gửi (Mistletoe wreath)

Tràng dây Chùm gửi (Mistletoe wreath)

Hôm nọ đọc thấy BBN viết về phong tục của các nước nói tiếng Pháp tặng nhau hoa muguet vào ngày 1 tháng 5 để chúc nhau may mắn, hạnh phúc, thì nay cũng muốn chia sẻ với các bạn một phong tục của người Mỹ (có lẽ các nước châu Âu có cùng phong tục này) về tràng dây chùm gửi (miền Nam gọi là chùm gởi, tiếng Mỹ là mistletoe)
Dây chùm gởi là một loại dây leo, hay sống bám vào cây khác, và hút chất bổ của cây chủ mà sống , cho nên vào những mùa lá rụng, trong khi cây chủ tơi tả, không còn một chiếc lá, thì nếu trong đó có một nhóm lá vẫn xanh tươi mơn mởn, thì đó chính là đám chùm gửi sống bám vào cây chủ !

Dây chùm gửi (ảnh từ Wikipedia)
Vào mùa Giáng Sinh, người Mỹ hay dùng dây chùm gởi để kết thành vòng hoa, gọi là mistletoe wreath, để trang hoàng bằng cách treo trước của nhà ! Sau này họ dùng nhiều chất liệu khác như các loại lá thông, nhưng vẫn gọi là mistletoe wreath!


Tràng dây chùm gửi (Mistletoe wreath). Hình lượm trên net
Treo trước cửa nhà, là để trang hoàng, và đặc biệt là các cặp trai gái chưa có gia đình, mà gặp nhau dưới tràng hoa chùm gửi trong mùa Giáng Sinh, cứ theo phong tục thì họ đứng … hôn nhau ngay bên dưới !
Tôi có người bạn da đỏ, dĩ nhiên là anh ta quá rành phong tục này, mà anh ta lại chưa vợ, cho nên cứ Giáng Sinh đến là anh ta tha về một tràng chùm gửi, treo ngay cánh cửa trước nhà, và trông ngóng mong mỏi các cô đi ngang ban phát cho anh ta một nụ hôn !
Thật là “trời thương kẻ gian”, năm ngoái có một cô giao hàng cho hắn, giao hàng xong, nhìn lên cánh cửa nhà hắn thấy có treo tràng dây chùm gửi, bèn kéo hắn lại hôn cho một phát vào gò má…!
Hôm sau, hắn vào hãng, khoe tưng bừng …!