Monday, April 16, 2018

Bị thụi

Bị thụi

Gì đâu mà bị thụi tá lả, cái nào cái nấy trúng thẳng vô tim, nhoi nhói ...!
Đầu tiên là bị mấy cây kem chuối thụi cho một phát lùng bùng . Nhớ đến thời xa xưa lúc còn nghèo, trưa nào cũng mong có được một cây kem chuối phủ đầy nước cốt dừa béo ngậy, rắc thêm một mớ đậu phộng bùi bùi, chỉ muốn mau cắn vào một phát để tận hưởng cái lạnh cây kem làm tan đi những buổi trưa hè nóng nực ... Mong là mong vậy, nhưng tiền không phải lúc nào cũng có ...

Rồi thì đến mấy cái bánh lỗ tai heo . Hồi nhỏ mê bánh này lắm (hình như bây giờ vẫn còn), ăn nhanh sợ hết, bèn ăn theo từng màu của từng cái vành . Cắn chút chút theo màu nâu trước, chừng nào hết cái vành nâu, thì mới cắn qua cái vành trắng, cứ vậy mà cắn, cho lâu hết ...

Rồi đến những cái bánh men, bánh phồng tôm, dân dã mà hấp dẫn . Lại nhớ đến những buổi trưa trằn trọc không ngủ được, nếu có chút tiền thì chạy qua nhà ông Sáu hàng xóm, đứng mân mê, lựa chọn, tính toán xem mua món nào . Ông hay bỏ bánh men hoặc bánh phồng vô một cái túi ny lông nho nhỏ, kèm chung là một viên bi, hay là một cái bông vụ bằng sắt bé xíu . Vậy là mua một món, mà vừa có đồ ăn, lại vừa có đồ chơi, tiền trong túi thì chỉ đủ mua duy nhất một bịch, cho nên phải đứng suy nghĩ dữ lắm ...

Cái gánh hàng xén nho nhỏ của hai con bé Mia và Sophia này , tuy bé tí xíu mà chứa đựng đầy ắp tuổi thơ . Nghe nói kem chuối do hai con bé tự làm , lại mới biết Mia và Sophia cong lưng vô bịch các loại bánh lỗ tai heo, bánh men, ... gì mà ngoan quá !

Hình như hai con bé không biết rằng, những việc làm tuy thấy nho nhỏ của hai con bé, vậy mà thụi bình bịch vô trái tim của các người lớn, trúng cái thụi nào, giựt mình cái nấy ... 

(Thank Michelle Thảo and Thuỳ Vân for the pics ...)



Wednesday, March 28, 2018

Tim và lòng

Tim và lòng
Trước khi đi cũng có dặn lòng là không mua nữa, vì ở nhà có nhiều lắm rùi. Nhưng tới nơi thì trái tim cứ đập cà thụp, cà thụp kêu mình mua thêm nữa. Mà cũng rẻ, mỗi chậu lan Hồ Điệp đề giá chỉ có $5/chậu, bèn mua luôn 4 chậu cho chẵn $20. Và một chậu Mokara, đây là một giống hybrid mới, lai giữa Vanda và 1, 2 loại nữa, vì lai cho nên dễ chăm sóc, và bông ra nhiều. Túm lại là tim đấu với lòng thì tim thắng ! :)
March 28th, 2018








Wednesday, March 7, 2018

Xứ người

Xứ người
Xứ người khác xứ mình, kể cả các phong tục tập quán !
Hôm nọ có kể về vòng hoa chùm gởi (mistletoe wreath), là vào mùa Giáng Sinh, thì có nhiều nhà nào treo mistletoe wreath trước cửa, và theo phong tục tập quán ở Mỹ thì nếu bạn đứng dưới mistletoe vào những ngày Giáng Sinh, thì có khả năng bạn sẽ được hôn (hun, kiss), không kể bạn là chủ nhà hay là khách !
Bây giờ nói về bóp kèn ! Thường thì bóp kèn là chửi . Nếu bạn bị ai bóp kèn tức là người đó muốn chửi hay la bạn vì bạn phạm một lỗi gì đó (nhưng họ không có ác ý, vì kẻ có ác ý thì đã lủi thẳng vào bạn để kiếm tiền bảo hiểm), nhưng nếu bóp kèn 2 cái liên tiếp thì thường có nghĩa là kêu ai, hoặc gọi người quen, hoặc nhắc nhở mình một cái gì đó, chứ không phải là chửi nữa ! 
Nhá đèn cũng vậy, bạn đang lái mà bị ai phía sau nhá đèn, tức là họ chửi bạn một cách "lịch sự", tại vì bạn lái ẩu hay phạm lỗi gì . Nhưng nhá đèn lại cũng là nhường, thường gặp nhất là ban đêm khi bạn đang nhá signal để chuyển lane, người đang trong lane đó và nằm phía sau bạn sẽ nhá đèn một cái để cho bạn biết là họ nhường bạn . Khi bạn thấy họ nhá đèn thì yên tâm mà chuyển lane, vì họ đã nhường (nhưng cũng nên chú ý cẩn thận khi chuyển lane, vì có những kẻ không thông hiểu phong tục tập quán của người Mỹ). Có lẽ vì ban đêm khó thấy nhau cho nên chuyện này thường chỉ xảy ra vào ban đêm ! 
Hoặc ở 4-way stop thì nếu thấy người ta nhá đèn một cái, thì người đó nhường bạn đi trước !
Không thông hiểu thành ngữ phong tục tập quán có khi cũng bất lợi cho bạn ! Có một câu chửi tiếng Mỹ "You have a brown nose". Brown noser là "someone sucks up so badly to another person, which gives them the brown nose ...", tức là kẻ bợ đít, (thật ra nguyên nghĩa tiếng Mỹ là "bú", chứ không phải "bợ").
Có lần gặp một người Á châu kia bất tài gian xảo, nhưng vì ra công bợ đít người khác  cho nên lên chức, bị bọn Mỹ gọi là hắn là "brown nose" ! Hắn không hiểu, nhơn nhơn tự đắc, còn bảo "I am all brown", ý hắn khoe là hắn có làn da nâu toàn thân (người Mỹ thường phải đi "tan" mới có được làn da nâu này)! Bọn Mỹ bèn giáng thêm một câu "You are so deep ...!" (ý họ muốn nói là "you are so deep in sh!t", cho nên toàn thân mới nâu !). Và  hắn thì cười toe, vì chẳng hiểu chi cả !!!
Viết mà chơi, chỉ để chia sẻ kinh nghiệm . Ai có kinh nghiệm nào hay thì xin chỉ với !

(Photo credit: northshoreplayers)

Tuesday, February 27, 2018

Lao xao Hội An phố Tết

Lao xao Hội An Phố Tết

Ừ mà phải, không phải lao xao chứ là gì . Vừa bước vô là tim đập rộn ràng với dãy lồng đèn đỏ rực, bông cúc vàng tươi tắn, quán tranh mái lá đơn sơ, lá chuối xanh biếc, cùng với lao xao tiếng nói, tiếng cười ... Nhiều quá, nhiều thứ làm mình nhớ xôn xao, nhớ về Hội An, nhớ cả Sài Gòn, nhớ luôn về tuổi thơ ngây ngô khờ dại ...
... Chỉ đơn giản là những củ sắn trắng nõn nà xắt lát, ghim sẵn vào cây que, cả những trái thơm vàng rực đã khía sẵn xéo xéo, sau đó xẻ theo chiều dọc và cũng ghim vào que, chấm chút muối ớt ... mà gợi nhớ đến cảnh tan trường xa xưa, bạn bè lao xao xúm xít vào các hàng quán, hôm nào có tiền mẹ cho thì mua được lát thơm, lát sắn, hôm nào không tiền thì thòm thèm nhìn bạn ăn, chấm muối ớt, hít hà ...
... Chỉ là mấy thanh gỗ đóng thành sạp dưa hấu, thả vào đó những trái dưa tròn ũm, xanh rì ... mà nhớ đến theo ba mẹ đi chợ Tết năm nào, chợ bán đầy dưa, mỗi quầy được lót rơm vàng rực, trên là cả núi dưa nằm chờ người mua, trái nào trái nấy mũm mĩm tròn ũm như đàn heo con .
... Rồi thì giựt mình với chùm khô mực tòn ten . Ở xứ Mỹ này, muốn mua khô mực thì dễ dàng, chỉ cần bước vào các chợ VN là có muôn ngàn, nhưng cái chùm khô mực treo tòn ten này thì không nơi nào có, nó bắt mình nhớ đến mấy ông Tàu già đẩy xe khô mực đi khắp hang cùng ngõ hẽm, đem theo mùi thơm lừng lựng của miếng khô, thèm thuồng ....
... Rồi thì nồi hột vịt lộn sôi lăn tăn, với mớ rau răm nằm kế bên đợi chờ, quán bún thịt nướng với lò than hồng, có người quạt than, trở thịt thơm ngát mũi ...
... Rồi thì quầy bánh đúc tôm chấy, nước mắm tỏi ớt, rồi quầy bột chiên, muốn ăn phải nôn nao ngồi chờ bột chín, chờ cô bán hàng áo dài đập thêm cái hột gà thả vô chảo bột trở qua trở lại, bột kêu lèo xèo ...
... To tiếng nhất là tiếng kêu của xe mì gõ . Không biết từ đâu mà có cả 2 thanh gỗ lên nước bóng lưỡng để gõ xực tắc, xực tắc, ... Nhớ có lần về VN, nhớ tô mì gõ, ngồi trong nhà đến khuya, ngong ngóng chờ nghe tiếng gõ xực tắc này, để kêu thằng bé gõ mì lại, mua cho bằng được một tô, gắp gắp húp húp như thuở nào ... Tô mì ở Hội An Phố Tết này be bé thôi, nhưng do một cô áo dài múc, rắc sẵn dùm chút tiêu, cho cả vài miếng dầu chá quẩy vào . Có lẽ đây là dầu chá quẩy nhà làm, cho nên be bé xinh xinh và ngon ngon, chứ còn loại bán sẵn trong chợ, thì bự bự và có lẽ không ngon bằng !
... Rồi thì tiệm sách với vài chục đầu sách, nằm kề tiệm may Thanh Thuỷ, cái tiệm may có cả một bàn máy may Singer loại đạp chân, là loại mà ngày xưa nhà nào cũng có ! Nhớ những ngày cận Tết là mẹ hay may quần áo cho các đứa con, cặm cụi ngồi đạp, thỉnh thoảng phụ mẹ bằng cách ngồi đối diện, rồi thò chân xuống đạp phụ cho mẹ đỡ mệt ...
... Lại thấy chiếc xe Vespa đít bầu, loại mà sau này người ta hay mua về để gò lại cho vuông vắn, giả làm Vespa Sprint . Hồi xưa những chiếc xe này chỉ biết ngó mà thèm thuồng, vì thời học sinh thì chỉ có ngựa sắt với động cơ hai cẳng ...
... Quán cà phê Rủ Rê nằm riêng một góc, với cô chủ quán cũng áo dài, và toàn cà phê phin (do tiếng Pháp là café filtre), chứ không phải loại cà phê bột, chỉ chế nước sôi vào là xong !
... Đặc biệt là có cả cầu tõm, cũng có khi gọi là cầu cá tra, cầu cá vồ, hay nơi thả bầu tâm sự, với bảng hiệu "free wifi", "coi chừng cá tra" ... Cái cầu này hồi xưa nhìn thấy là nổi da gà vì sợ, còn bây giờ thì mừng rỡ nhẩy vô ngồi thử, rồi cười hăng hắc ...
... Và còn nhiều quá, nhiều quá, kể hoài không hết, như chiếc xe bánh mì, với vài cuộn thịt đo đỏ, loại xe mà mình hay thấy ở các ngã tư đường . Rồi quán chè O Thanh với đủ các loại chè, quán bún đậu mắm tôm với thịt luộc để cả mâm đầy ngồn ngộn ..., quán bún riêu với nồi nước  lèo bay khói mù mịt, mấy trái bí xanh, cà tím, dưa leo, cả một rổ khế vàng, như một cái chợ quê nho nhỏ, lao xao rộn ràng, nhưng nhẹ nhàng đằm thắm ...
... Tất cả các cô chủ quán đều thướt tha, thuỳ mị, dịu dàng trong chiếc áo dài, tay thì thoăn thoắt múc bún, múc mì, và miệng thì cười tươi tắn ... Dân mê áo dài mà trông thấy thì chỉ có ... rụng tim !
... Không biết tại vì chiếc áo dài, tại không khí, hay tại các món ăn, hay tại các kỷ niệm xưa cứ ùa tới, ... mà khi ra về rồi, mà cứ luyến tiếc cái Hội An Phố Tết này quá ...
Feb 27th, 2018




















Friday, January 19, 2018

Ba mươi ba thùng ớt và ống kem đánh răng

Ba mươi ba thùng ớt và ống kem đánh răng

Lên đến đảo, ba và anh chỉ còn cái quần xà lỏn che thân . Mọi thứ khác, đều bị bọn hải tặc Thái Lan vơ vét sạch sẽ . Ghe bị cướp 7 lần, đồng nghĩa với tất cả đàn bà con gái trên ghe bị hãm hiếp 7 lần, quần áo dư và các thứ vật dụng khác thì vĩnh viễn đi theo bọn cướp . Đàn ông mỗi người còn được giữ một cái quần xà lỏn, đàn bà thì được bộ quần áo, nhưng bị bọn cướp xé rách bươm, không đủ che thân, gần như không mặc gì ! Cái mạng còn giữ được là may, chứ nếu làm bọn cướp ngứa mắt, thì có thể bọn chúng giết, và quăng xác xuống biển cho cá ăn ...

Sau một năm liên tục chuyển trại, từ Pulau Bidong, qua tới Songkhla, ... cuối cùng ba và anh được một người Mỹ ở tiểu bang Idaho chịu đứng ra bảo lãnh . Tiểu bang Idaho, còn gọi là tiểu bang khoai tây, vì khoai tây vùng này nổi tiếng ngon nhất nước Mỹ , và vì nổi tiếng về khoai tây, cho nên tiểu bang này là tiểu bang chuyên về nông nghiệp . Người Mỹ đứng ra bảo lãnh ba và anh là một chủ trang trại , ông ta cần nhân công, không những ông muốn nhân công rẻ , mà còn là nhân công miễn phí, cho nên ông ta bảo lãnh ba và anh ! Ông ta bắt ba và anh làm việc nhà nông quần quật suốt ngày, không trả lương, và thậm chí cũng không cho ăn no, mặc dù đồ ăn bên Mỹ rất rẻ ...

Tối đói bụng, anh lẻn xuống chuồng gà, ăn cắp trứng, luộc ăn cho ba và anh ăn cho đỡ đói ! Tên chủ Mỹ ngoài việc hưởng nhân công miễn phí, mỗi tháng hắn còn được lãnh một số tiền do chính phủ trợ cấp cho hắn, để hắn bảo trợ cho 2 người VN . Số tiền này, dĩ nhiên hắn đút túi trọn !

Ba và anh thỉnh thoảng xin đi ngoài chơi, và hắn cho phép ! Có lần ba nghe lỏm được bạn hắn hỏi hắn, là tại sao hắn cho ba và anh đi ra ngoài chơi, thì hắn trả lời, "Tao đâu có quyền cấm họ, tao mà cấm họ, thì cảnh sát bắt tao sao ?"

À, thì ra là vậy ! Người VN mình cứ ngỡ cái người đứng ra bảo lãnh mình được quyền định đoạt tất cả, nhưng té ra không phải vậy ! Xứ Mỹ này, mình mới chính là  người định đoạt tất cả, thích ở đâu thì ở, không thích thì được quyền đi chổ khác, không ai được quyền cấm ...

Cũng cần nói rõ, ba sinh năm 1919, khi đặt chân lên đất Mỹ, tức là  ba đã trên 60 ! Với số tuổi lớn như vậy, chân ướt chân ráo qua Mỹ, mà ba nghe lén được tụi Mỹ nói chuyện với nhau, vì ba nghe và nói tiếng Mỹ khá tốt . Khi còn ở đảo ba làm thông dịch viên, vì ba giỏi cả tiếng Anh và cả tiếng Pháp ...

Ba kể thời ba còn nhỏ, khi nghe nói tới máy bay, thì mọi người cười, nói là chuyện xạo, vì "cục sắt làm sao mà bay được ?" Cũng tương tự vậy, khi nghe nói tới đèn điện, chỉ bấm một cái, là đèn sáng rực lên, là chuyện hoang đường, chuyện đi xa về nói dóc, vì thời đó muốn có đèn sáng thì phải châm lửa đốt đèn, và không có cây đèn nào chổng ngược xuống được, vì chổng ngược là đèn tắt ngay ...

Vậy mà thời của ba, mà ba nói được tiếng Pháp, tiếng Anh ...

Ba kể hồi nhỏ ba ham học, tối đến đèn dầu trong nhà, loại đèn hột vịt nho nhỏ, tù mù khó học , ba bèn ra đứng tựa lưng ngoài cột đèn, nhờ ánh sáng đèn đường, mà học bài chăm chú . Đèn đường hồi xưa cũng là đèn dầu, nhưng rất sáng vì là đèn măng sông (do tiếng Pháp là đèn manchon), đủ cho ba học bài . Thời của ba, sách vở cũng khan hiếm, ba tự học tiếng Pháp bằng cách học thuộc lòng cuốn tự điển Pháp Việt, mỗi ngày học vài trang, cho đến hết cuốn sách ... Học xong tự đố, tự dò, xem mình trả lời có đúng hay không ...

Sau khi giỏi tiếng Pháp rồi, thì ba chuyển sang học tiếng Anh, cũng dùng phương pháp như vậy !

Cỡ tuổi ba, khi qua Mỹ đã hơn 60, thì ít ai chịu đi học ! Ba thì khác, ghi tên đi học . Cuối cùng sau hai năm dồi mài kinh sử, ba đậu bằng AS. Ở Mỹ này, nói chung mỗi bằng cách nhau 2 năm . Đầu tiên là bằng AS hoặc AA (tuỳ theo mình học Associate of Science hay Associate of Art, tạm dịch là bằng chuyên viên), tức là bằng 2 năm . Sau đó là BS hoặc BA, bằng cử nhân, tức là bằng 4 năm . Kế nữa là MS hoặc MA, thạc sĩ, tức bằng 6 năm . Cuối cùng là Ph.D, bằng tiến sĩ, tức là bằng 8 năm !
Đối với một người hơn 60 như ba, mà đậu bằng AS của Mỹ, là giỏi lắm rồi ...
Ngày đội nón vuông, chung quanh một đám thanh niên mới lớn, râu mới nhú loe hoe, có một ông già lơ ngơ đứng lẫn lộn với bọn trẻ ...

Khi biết được ba không bắt buộc phải ở với người bảo trợ , thì ba và anh lên kế hoạch về Cali, vì nghe nói Cali có nắng vàng rực rỡ, không phải chịu đựng mỗi năm 8 tháng mùa đông lạnh lẽo như bên Idaho . Cali lại có việc làm nhiều, nhất là có nhiều người Việt sinh sống, dễ kiếm chai nước tương, nước mắm mà ăn ...

Ba cho anh đi Cali trước, vừa dò đường, vừa kiếm việc làm, để sau này khi có việc làm rồi, thì đưa ba về Cali ở chung ! Anh đi được vài tháng, thì quay về Idaho, rước ba về tiểu bang Vàng (tiểu bang Cali có tên lóng là Golden State).

Công việc của anh bên Cali là hái trái cây, mùa nào hái thứ đó ! Anh và ba sợ nhất là hái ớt . Gần 40 năm trước, tiền công hái mỗi thùng ớt là khoảng 3 đô, mà trái ớt thì nhỏ xíu, hái thật lâu mới đầy cái thùng 5 gallons (khoảng gần 20 lít). Mà hái ớt thì sợ lỡ mình quên, lỡ dùng tay vuốt mặt, vuốt mắt để ngăn mồ hôi chảy thì sẽ bị cay xè, cay vì nước mắt , và cay vì tay dính đầy ớt !

Hái được hơn ba mươi ba thùng ớt, thì được khoảng 100 đô la ! Là một khoảng tiền lớn lúc đó ! Anh cuộn tròn tờ giấy bạc, cho vào bao ny lông, nhét vào ống kem đánh răng Colgate, đem ống kem Colgate, cùng với một số đồ nho nhỏ (vì bưu điện Mỹ chỉ cho gởi tối đa là 2 pounds) gởi về VN cho mẹ và các em ...

Anh và ba không thể báo trước cho gia đình bên VN biết trước là trong ống kem có tờ 100 đô la , vì thời đó chưa có internet, chưa có điện thoại đường dài, liên lạc giữa Mỹ và VN chỉ toàn bằng thơ, do đó, kéo dài vài tháng !

Bên VN, nhận được ống kem Colgate, là thứ quá sang thời đó, gia đình bèn đem bán để lấy tiền chi dụng, không biết rằng đang quẳng đi công hái hơn 33 thùng ớt của ba và anh, cùng với vô số mồ hôi ...

Weekend này là giỗ của ba . Tính ra ba mất được 7 năm rồi . Nếu còn sống, thì năm nay ba 99 tuổi ...
Jan 19th, 2018
SH

Photo credits: unknown

Wednesday, January 3, 2018

Bướng

Bướng

Ai cũng nói anh bướng, ba anh nói, mẹ anh nói, anh anh nói, cậu anh nói, ... mà anh bướng vẫn bướng ...

Hồi đó, chị thương anh, và dĩ nhiên, là anh cũng thương chị lắm, chiều nào cũng chở chị đi chơi, tuy nhiên, bảo anh cưới chị, thì anh cứ gàn gàn bướng bướng, cứ khăng khăng không chịu cưới, mặc cho ba mẹ la mắng, anh cũng không chịu ! 

Cái thuở xa xưa đó, là thời VNCH, anh huy hoàng ngang tàng mang lon đại uý, là một chức vụ khá cao, làm việc thì đi có kẻ rước, về có người đón, và làm chung chỗ với chị, do đó, anh quen với chị . 
Ngày nào hầu như hai người cũng gặp nhau, trong bụng thì mừng mừng rỡ rỡ, nhưng không dám vồ vập, phần vì đây là chổ làm việc, phần vì trong quân đội thì chị mang lon ... thiếu tá ...!

Thời VNCH, kỷ luật nghiêm minh, hễ người mang cấp bậc thấp, mà gặp người mang cấp bậc cao hơn, thì người cấp bậc thấp hơn phải đứng thẳng người, rập gót giày lại, bàn tay phải đưa lên trán, và phải mở miệng chào, để nghiêm chào người cấp bậc cao !

Anh đóng lon đại uý, chị đóng lon thiếu tá, một bậc cao hơn anh, thì kẻ phải đứng nghiêm chào mỗi ngày, chính là anh, chứ không phải chị !

... Vậy là anh không chịu cưới chị, anh bảo, nếu lấy nhau rồi, ngày nào gặp vợ cũng phải đứng nghiêm chào, chịu sao nổi ! Là đàn ông con trai mà , ai đời phải đứng nghiêm chào vợ mỗi ngày !

Chuyện tình kéo dài nhiều năm, chiều nào anh chị cũng chở nhau đi chơi, nhưng làm đám cưới, thì anh cứ nhất định bướng, không chịu, dù ba mẹ la mắng cỡ nào, cũng khăng khăng không chịu ...

Rồi thì năm 1975, VNCH sụp đổ, quân đội VNCH không còn nữa . Anh không còn là đại uý, chị cũng không còn là thiếu tá, anh không còn phải rập gót giày lại để chào chị, anh mới vui vẻ leo lên xe bông, theo chị về dinh, sau này hai người sinh ra một cháu gái kháu khỉnh ...

Tháng rồi, vừa đi dự đám cưới con gái của anh chị về, chợt nhớ lại chuyện xưa ...
Jan 3rd, 2018