Tuesday, August 26, 2014

Phà Thuận Giang và những chiếc bánh lỗ tai heo

Phà Thuận Giang và những chiếc bánh lỗ tai heo ...

Con phà Thuận Giang là một phà nhỏ, bắc qua sông Vàm Nao . Với cái tật thích ăn vặt, cho nên khi nhìn thấy bánh lỗ tai heo, bánh khoai lang chiên, bánh mì nhỏ, ... nằm trên kệ của một xe bán đồ ăn vặt thì phải mua cho bằng được ! Đưa ông chủ 10 ngàn VN (tức là khoảng 50 xu Mỹ), dặn ông ta là cho vào cả 4 loại để nhâm nhi cho vui trong lúc qua phà !!! Bất ngờ nhìn lên vách phà thấy có dòng chữ khuyến cáo "Yêu cầu hành khách mang dụng cụ nổi khi qua phà" !!!

Lạ quá há ??? Đúng là độc quyền quốc doanh cho nên mới có dòng chữ này !!!
Nếu bà bán bún ghi dòng chữ "Yêu cầu đem theo tô, đũa, muỗng khi ăn bún", hoặc bà bán nước mía ghi câu "Yêu cầu mang theo ly khi mua nước mía" thì họ nghĩ sao ???

Đáng lẽ chủ phà phải cung cấp các dụng cụ nổi cho hành khách dùng phà mới đúng chứ ??? Nếu phà nào không có phao thì đóng cửa, không cho hoạt động !!!

À, nhân tiện muốn nói, là bánh lỗ tai ăn giòn giòn, rào rạo, làm nhớ lại tuổi thơ, cứ bẻ miếng bánh ra từng chút, lần theo "vành tai" mà ăn dần dần cho đỡ hao !!!



Con bé bán vé số

Con bé bán vé số

Còn khoảng vài cây số nữa là vượt sông Vàm Nao, là một con sông lớn nối liền sông Tiền với sông Hậu, nổi tiếng với những cơn sóng cuộn và những con cá bông lau to lớn, thì bọn này dừng chân ăn phở ở một quán ven đường ! Quán tuy quê mùa nhưng ăn cũng được , có lẽ vì đói cho nên thấy ngon ! Đặc biệt là gặp một con bé còn tí teo, loắt choắt đi bán vé số ! Hỏi con bé bao nhiêu thì con bé nói là 6 tuổi !!! Nghĩ lại các bé ở bên này may mắn quá, không phải bươn chải kiếm sống như con bé này !!!



Lại nói về con đường Trần Hưng Đạo

Lại nói về con đường Trần Hưng Đạo

Con đường Trần Hưng Đạo ngày xửa ngày xưa thì được gọi là Đại lộ Trần Hưng Đạo, là một trong những con đường chính mà chính quyền VNCH dùng để diễn binh, diễn hành vào các ngày lễ lớn như ngày Quốc Khánh (1 tháng 11) và ngày Quân Lực (19 tháng 6), hoặc các dịp lễ Tết ...
Dọc theo đường Trần Hưng Đạo là 2 hàng cây dầu cao to, đầy bóng mát . Trái dầu khi khô sẽ rụng xuống, nhưng vì mỗi trái đều có 2 cánh cho nên khi rụng thì trái sẽ xoay tròn như chong chóng !
Sau 75, đường Đồng Khánh và Trần Hưng Đạo được gộp lại làm một, phía Đồng Khánh còn hay được gọi là Trần Hưng Đạo B, và trở nên một trong những con đường dài nhất Sài Gòn (cùng với Lê Văn Duyệt, nay là CMT8) !
Con đường này đi qua các địa điểm nổi tiếng của SàiGòn, bắt đầu là chợ Bến Thành, ngay trước quảng trường Quách Thị Trang, qua tới rạp Đại Nam, trường Cô Giang, rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Trần Hưng Đạo, nhà thờ Phát Diệm (nằm trên đường Phát Diệm), trường Trần Hưng Đạo, Sở Cứu Hoả, Sở Công An, chợ Nancy, rạp Lux, bịnh viện Sùng Chính (nay là TT Chấn Thương Chỉnh Hình), nhà hàng Đồng Khánh, khu La-Cai, khu Đại Thế Giới, ... và cuối cùng là nhà thờ Cha Tam, nơi được đồn đại là cựu tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát gần đó !

chợ Bến Thành


quảng trường Quách Thị Trang


trường Cô Giang


ngã 5 Bùi Viện - Trần Hưng Đạo -Nguyễn Thái Học


ký túc xá sinh viên đối diện rạp Nguyễn Văn Hảo


ngã 3 Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo


nhà thờ Cầu Kho












trường Trần Hưng Đạo, nơi cách đây khoảng hơn 20 năm có 
một ông hiệu trưởng rất gian ác, hình như tên là Đại . 
Cứ mỗi lần Giáng Sinh đến thì ông ta bắt học trò đi thi
 học kỳ I ngay vào những ngày 23, 24, và 25 tháng 12, 
 mục đích của ông ta là không muốn cho học sinh hưởng 
một mùa Giáng Sinh an lành, vì ông ta vô thần !




nhà thờ Hồi Giáo đối diện Sở Công An !


chợ Nancy (nay là cầu Nguyễn Văn Cừ), góc đường Cộng Hoà và Trần Hưng Đạo !


một bệnh viện nhỏ (clinic) dành cho trẻ em nằm kế bên chợ Nancy


cầu Chữ Y


trên cầu Chữ Y





Wednesday, August 20, 2014

Ông lão bán vé số

Ông lão bán vé số ở quận 8 ...



Ông gốc miền Trung, cùng bà vợ lặn lội vào Nam bán vé số sống qua ngày, và đồng thời gởi tiền ngược về miền Trung để nuôi các con ăn học. Thời gian cứ trôi qua, con cái đã lớn, thậm chí có đứa đã tốt nghiệp đại học nhờ vào tiền bán vé số của ba mẹ. Đám con nài nỉ ba mẹ bỏ nghề, về lại miền Trung để các con nuôi lại, nhưng ông bà không chịu, bảo là cái chân đi quen rồi, ngồi im một chổ chịu không được !

Cách đây hai năm, bà mất, các con lại nài nỉ ông về, ông cũng không chịu, có lẽ là không muốn nhờ vả con cái, ông ở lại cu ki một mình, tiếp tục bán vé số. Có một lần ông bệnh, khác với hồi còn có bà, thì hai vợ chồng lo cho nhau được, nay chỉ còn một mình ông, không ai hay biết ! Sáng hôm đó, ông vẫn gắng gượng dậy sớm đi bán vé số, nhưng chịu không nổi nên nằm dài trên ghế đá ở một công viên. Một bà đi tập thể dục ngang qua thấy ông nằm dài bèn buông một câu "ĐM, gì mà mới sáng sớm đã xỉn rồi !" Ông ráng thều thào "tôi bệnh bà ơi". Bà rờ ông thấy nóng hổi như lửa bèn hoảng hồn chạy về nhà kêu chồng và hàng xóm chạy ra phụ khiêng ông lên xe đi bệnh viện ! Ông may mắn thoát chết lần đó !
Sau đó, ông lại tiếp tục bán vé số một mình ...



Café võng

Café võng

Khác với café chòi, là nơi chỉ dành cho những người thích "nơi vắng vẻ", thì café võng dành cho đủ loại hạng người từ con nít, người lớn, đàn ông, đàn bà, ... vì những chiếc võng này là nơi lý tưởng để nằm nghỉ ngơi trong những chặng đường dài .
Hiện nay, dọc theo các quốc lộ ở miền Đông, miền Tây xuất hiện các quán café võng rất nhiều  . Khách đường xa, nhất là những người lái xe 2 bánh, có thể kêu một ly café rồi đánh một giấc ngủ dài trên chiếc võng, để lấy lại sức chuẩn bị đi tiếp con đường thiên lý ! Khách đi xe đò, xe nhà cũng tấp vào tấp nập để nghỉ ngơi, mỗi người một võng, tha hồ mà nằm !
Nằm võng mát rượi, gió thổi lồng lộng tứ bề, phía sau quán là những ruộng lúa chín vàng đang được gặt hái . Mùi lúa thơm nồng nàn bay đập vào mũi. Thêm một trái dừa tươi cùng với ly nước đá nữa là tuyệt vời ... 




Monday, August 4, 2014

Con sáo ngày xưa

Con sáo ngày xưa
(chuyện của anh hướng dẫn viên du lịch)

Hắn nói ngày xưa, lúc còn cắp sách đến trường, thì hắn có quen một con sáo nhỏ ! Chuyện tình thời còn đi học cũng da da diết diết, cũng nhớ nhớ thương thương, kết quả cuối cùng thì con sáo của hắn lên máy bay đi định cư ở một xứ sở xa xôi ! Cũng may cho hắn thì thời buổi này ra đi chưa có phải là chấm hết, vẫn còn hy vọng gặp lại cố nhân, cho nên hắn vẫn mong chờ một ngày đẹp trời nào đó con sáo của hắn trở về, sẽ đi du lịch, và biết đâu trời run rủi cho hắn làm người hướng dẫn cho con sáo ngày xưa ...
Chuyện đời, mong thì mong vậy, chứ hơn với chục năm trong nghề làm hướng dẫn, vậy mà vẫn bóng chim tăm cá, mặc dù hắn ra sức nhắn với các bạn bè cũ là hắn đang làm nghề này, ai mà gặp lại con sáo của hắn thì làm ơn nhắn cho cô ta là người xưa của cô ta hiện nay đang làm hướng dẫn viên du lịch ...
Cũng chuyện đời khó mà biết trước được, thay vì gặp lại con sáo bằng xương bằng thịt trong vai người hướng dẫn, thì một ngày nọ con sáo gọi điện thoại cho hắn ! Hắn nghe điện thoại mà trong lòng hồi hộp lẫn run run, sờ sợ ! Tưởng sao té ra con sáo nhờ hắn làm hướng dẫn cho một chuyến du lịch riêng cho gia đình cô ta ! Tâm trạng ngạc nhiên, mừng, vui, hồi hộp cùng lúc ập tới làm hắn lùng bùng, hắn lắp bắp cà lăm một hồi rồi ... từ chối, không chịu làm hướng dẫn riêng ! Thoạt đầu, chính hắn cũng không hiểu vì sao mà hắn làm vậy, lẽ ra hắn phải mừng rỡ nhào ra chụp lấy cơ hội này mới đúng, mấy đêm mất ngủ, hắn cứ tức cho hắn, tự giận mình ...!
Nhưng rồi hắn tự an ủi, ừ thì mấy chục năm về trước, con sáo của hắn còn bé nhỏ, còn xinh xắn, rủi bây giờ mấy chục năm sau con sáo ... phát tướng ra thì sao ? Hơn nữa, con sáo dẫn theo một bầy sáo con thì không sao, nhưng còn con sáo cha ? Nếu như mỗi ngày hắn phải nhìn cảnh con sáo ngày xưa của hắn âu yếm với ... con sáo cha thì có lẽ hắn tức ngực khó thở lắm ! Ừ, vậy là đúng rồi, từ chối là đúng lắm !