Chuyện em kể
Má em ở Đập Đá, ba em ở Gò Bồi, hai người quen nhau lấy nhau đẻ ra tụi em. Đầu tháng 4 năm 1975, lúc miền Nam sắp mất, ba em soạn sẵn hai chiếc xe hơi để chạy về Sài Gòn. Lúc đó có một ông linh mục đi qua, ông cũng muốn chạy về Sài Gòn, nên ba em giao cho ông lái một chiếc. Xe của ông linh mục chứa đầy thức ăn, đồ hộp, và hai chị em của em. Em là chị lớn nhất, lúc đó khoảng 8 tuổi, em của em mới khoảng 6 tuổi. Ba em lái một chiếc theo sau, chở mẹ em và các đứa em khác của em ...
Không nhớ chạy được bao xa, thì hai xe lạc nhau. Em chỉ nhớ lúc đó xe chạy đến cuối con đường, có cây cầu bị giựt sập, cho nên người ta dùng những sợi dây thừng để nối hai bờ sông để qua lại. Hai chị em lúc đó còn nhỏ, nhưng cũng bắt chước người khác đu bám theo dây thừng để qua sông. Em nhớ có lúc em của em than là chịu không nổi, em phải la lớn cho em em nghe là phải cố gắng ráng hết sức để được sống. Rồi không hiểu sao hai chị em cũng qua được con sông, nhập chung với đoàn người chạy loạn ...
.
Đoàn người chạy loạn hay chạy dưới những lùm cây, một hôm đang chạy thì nghe tiếng trực thăng bay tới. Những người lớn kêu tụi em chạy khỏi lùm cây, ra giữa đồng để trực thăng đáp xuống cứu. Quả đúng vậy, chiếc trực thăng thấy hai chị em em còn nhỏ liền xà xuống để cứu, nhưng bất thình lình thấy nhiều người từ trong bụi cây phóng ra thì họ sợ, định cất cánh lên lại. Lúc đó em đã phóng lên trực thăng được, nhưng nghe họ định bay lên thì em la lớn là em của em còn ở dưới, rồi em nhảy đại xuống. Nhiệm mầu làm sao là lúc đó có một người lính chồm tới nắm được chân em lại, cùng lúc đó nhỏ em em nhào tới, em nắm được tay nó, rồi không hiểu sao mà cả hai chị em đều lên được trực thăng, như là trong phim vậy !
.
Trực thăng chở hai chị em em ra chiếc tàu lính đậu ngoài biển. Trên tàu đã có sẵn một số người chạy loạn, và mấy ngày sau đó tàu cập bến Vũng Tàu, cho mọi người xuống.
Hai chị em em xuống Vũng Tàu, tứ cố vô thân, cuối cùng em phải đi xin ăn để kiếm cái gì bỏ vào bụng của hai chị em. Sau này, em hay cho tiền những người ăn xin, chồng em nói ăn xin giả nhiều lắm, nhưng em nói thôi kệ, dù cho 10 người em cho có đến 9 người giả, chỉ có 1 người ăn xin thiệt, em cũng vui lòng, vì em bản thân em từng là một trong những người ăn xin đó, và em thật sự cần được giúp đỡ ...
.
Một hôm mưa sụt sùi, hai chị em em đói, không ăn xin gì được, em ôm em em khóc ròng. Có một bà bác đi qua, thấy hai chị em ướt mem lủi thủi lóp ngóp ôm nhau khóc, thì bà hỏi thăm tụi em. Em kể lể sự tình cho bà nghe. Bà bèn đem hai chị em em về nuôi, đồng thời hỏi tụi em có bà con nào ở Sài Gòn không. Em nói em có cô Tám, cô Sáu, và bác Năm ở Sài Gòn...
Bà kêu tụi em gọi bà là bà Hai. Bà sắp xếp công chuyện, rồi đích thân đưa tụi em về Sài Gòn. Tới Sài Gòn, bà đi vào tất cả các tờ báo để đăng mục nhắn tin. May mà em nhớ tên của cô Tám, cô Sáu, bác Năm, nhớ nhà em ở Qui Nhơn, chợ Đầm để đăng lên báo ...
Công nhận báo chí mạnh thiệt, chỉ khoảng hôm sau cô Tám em đọc báo thấy, tìm tới đón tụi em về ...
.
Đưa hai chị em của em về nhà chỉ được vài tiếng thì cô Tám nói là cô Tám nuôi tụi em không nổi nên đưa tụi em qua nhà cô Sáu ở. Ba em tuy là Út nhưng lại là người giúp cho cô Sáu thành công. Gặp được cô Sáu em mừng lắm, em kể là lúc đi chạy loạn thì tình cờ em có gặp dượng Sáu, tức là chồng cô Sáu. Dượng Sáu là bác sĩ quân y và lúc đó dượng Sáu đi chạy loạn cùng hai cô y tá. Gặp em thì dượng Sáu đưa em một cái hộp nhỏ, nói là có vàng trong đó, kêu em giữ dùm dượng Sáu vì em là con nít cho nên người ta sẽ không để ý. Dượng Sáu dặn dò tới lui là em phải giữ cái hộp vàng cho kỹ, vì mình cần vàng để được về tới Sài Gòn. Em dạ dạ rồi tối đó em ôm hộp vàng ngủ như chết vì lúc đó em còn nhỏ. Sáng hôm sau thì không thấy dượng Sáu, hai cô y tá và cái hộp vàng đâu nữa, có lẽ dượng Sáu lấy đi rồi. Nghe kể xong thì cô Sáu đánh em, nói em đặt chuyện để phá gia cang cô Sáu, rồi đuổi tụi em sang nhà bác Năm ở.
.
Bác Năm em giàu lắm. Bác là chủ hãng nước mắm. Nhà bác là nhà mặt tiền ở Sài Gòn, và bác có tám người con. Không biết bác nghe ai mà bác hay kêu em lên sân thượng để đánh em, nói là em hư, sau này lớn lên không làm gì ra hồn, cùng lắm là làm lao công hoặc là đi ở đợ cho người ta. Bác Năm trai là bác ruột nhưng hay đánh em, không cho em ăn đủ no, nhưng bác gái là người dưng nhưng lại thương em, hay giả bộ sai em đi mua đồ lặt vặt, và đưa dư tiền để em lấy tiền dư đó mua bánh ăn cho đủ no.
Vài ngày sau thì miền Nam sụp đổ, rơi vào tay cộng sản. Bác em may mười cái áo, cho tám đứa con và hai chị em em mặc, trong áo có may đầy vàng lá. Được vài ngày thấy êm xuôi không có gì lạ nên bác thu áo lại.Thêm một thời gian ngắn nữa, không thấy động tĩnh gì lạ nên bác Năm dẫn hai chị em em về lại Qui Nhơn. Biết được điều này em vui lắm, vậy là sắp thoát khỏi tay bác Năm, và gặp lại gia đình.
Tới Qui Nhơn, em mừng lắm, còn bác Năm em thì không dám về nhà bác liền, mà ghé ở nhà người quen để xem động tĩnh. Khuya đó khoảng 3 giờ sáng, em dậy kéo tay em em, hai chị em em lén mở cửa, đi ra khỏi nhà, vì em muốn thoát khỏi bác Năm em càng sớm càng tốt. Em chỉ nhớ đường mài mại, em đi đại, cuối cùng gặp được vài người thì em hỏi thăm đường về chợ Đầm, vì em biết nhà em rất gần chợ Đầm.
Đến được chợ Đầm thì trời đã sáng, em cứ đi theo trí nhớ, kiếm chung quanh đó nhưng kiếm hoài mà không ra nhà em. Cuối cùng, em nghe tiếng ba em đang đánh thằng em của em, em mừng quá bèn dẫn em em nhào tới ...
.
Quả đúng là nhà của em . Em và em em mừng lắm, chạy tới ôm ba, còn thằng em em thì mừng nhứt, vì tự nhiên được ba tha, thoát khỏi bị đòn .
Sáng hôm sau, bất thình lình Quy Nhơn có giới nghiêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập, không ai được đi đâu . Nghe đồn rằng có trùm CIA hay trùm mật vụ gì đó về Quy Nhơn nên họ lùng bắt . Có lẽ họ kiếm bác Năm em . Em chỉ biết bác Năm là chủ hãng nước mắm, quen biết rất nhiều người để buôn bán kiếm lời, chứ trùm mật vụ gì đó là có lẽ do người ta ganh ghét mà thêm thắt . Phần bác Năm thì có lẽ nghe động tĩnh cho nên bác Năm vù về Sài Gòn ngay lập tức ! Sau này khi qua tới Mỹ em mới có dịp gặp lại bác Năm .
Ba má em thì sau này bán hết nhà cửa ruộng vườn, bỏ vào Sài Gòn sinh sống . Sài Gòn thì tuy có nhiều anh em ruột thịt , nhưng không ai chịu chứa gia đình em, mặc dù ba em là người giúp cô Sáu, cô Tám rất nhiều . Cuối cùng gia đình em lang thang tới Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn , thì gặp một người dì bà con xa là dì Năm, chịu chứa gia đình em . Thuở đó Thủ Thiêm nghèo lắm, nhà dì Năm chỉ có 4 bức vách che bằng phênh và vải bạt, dưới đất thì là nền đất, nghèo rớt mồng tơi . Nhà chỉ có hai chiếc giường, dì nhường cho gia đình em một cái, gia đình dì một cái, nằm chen chúc nhau ! Vậy mới biết câu "giọt máu đào hơn ao nước lã" là sai . Anh em ruột thịt chưa chắc lo cho nhau, mà bà con xa lại giúp đỡ hết mình ! Em rất quý gia đình dì Năm, quý cho tới bây giờ !
(Cho em fast forward chút xíu, hiện cháu nội của dì Năm từ VN sang du học bên Mỹ . Các con của dì Năm chịu học nên sau này khấm khá. Em nghe được bèn kêu cháu qua nhà em ở, ăn uống để em lo, tiền học phí cũng để em lo cho, nhưng cháu nó không thèm ở nhà em, mà chạy qua mấy tiểu banh lạnh, vì nó có nhiều bạn bè bên đó . Em thì chỉ cần nó ở với em, là em hết lòng lo cho nó ) ...
.
Một hôm trong lúc ba em đi vắng , thì mẹ em gởi em cùng nhỏ em em đi vượt biên với cô Tám và 2 đứa con của cô. Số em may mắn, đi một lần là tót lọt qua tới một đảo ở Mã Lai, mà không gặp cướp biển nào. Trên đảo họ có lập một trại tỵ nạn cho người Việt, lúc đó người Việt đi vượt biên khá đông. Trại chia làm hai khu, bên đàn ông, bên đàn bà. Bên đàn bà khi tối ngủ thì các cô gái trẻ nằm tuốt ở giữa, bên ngoài là các bà lớn tuổi và con nít như bọn em, vì sợ ban đêm bọn lính Mã Lai hay kéo chân các cô gái trẻ ra làm ẩu.
Tối đó khi đang ngủ thì em nghe động đậy nên giựt mình dậy . Thì ra có tên lính Mã Lai đang kéo chân con gái cô Tám. Em kéo ngược con cô Tám ôm chặt lại, miệng thì la lớn lên cho mọi người dậy, tên lính bèn bỏ đi.
Trên đảo có một người đàn ông rất lạ, lúc nào cũng ở trần, lộ ra những hình xăm chằn chịt. Em nhìn thấy là sợ ông này lắm. Có lẽ ông ta là lính Mã Lai. Em thấy là né xa .
Một hôm em đang ngồi chơi, thì ông ta đi ngang qua, em định né thì bất thình lình ông ta hỏi thăm em bằng tiếng Việt. Thì ra ông là người Việt.
Sau này ông kể ông cũng là người Việt vượt biên khá lâu rồi. Lúc tới đảo ông có gây lộn và bắn chết một người lính Mã Lai, cho nên họ để ông ở đây luôn, không cho đi định cư tại quốc gia khác.
Phần ông thì vì ở đây lâu nên ông được xem như là chúa đảo đối với người Việt . Bất cứ ai cần gì cũng qua tay ông, nhờ ông giúp.
Ông nói thấy hai chị em em nhỏ nên ông hỏi thăm. Có gì cần thì cứ nói, ông sẽ ráng giúp cho. Em nói em cần nhờ ông làm đơn đi định cư tại nước Mỹ, vì trước lúc vượt biên thì ba mẹ em dặn em là sau này có vượt biên thì nhớ là ráng xin đi Mỹ .
Ông đích thân làm ơn và nộp đơn cho hai chị em em, và nhờ vậy, tụi em được đi Mỹ khá sớm so với người khác ...
.
Tới đây xin mời các bạn xem tiếp câu chuyện, mà đây là nguyên văn do chính em viết. Có thể nói em qua Mỹ lúc còn khá nhỏ mà viết được như vầy là khá quá ...
.
"Nè, tặng anh một đoạn tự thuật
Những ngày đầu chập chững đi làm
Những ngày đầu đến Mỹ. Con bé vừa đi học, vừa đi làm. Đi làm là chính, còn đi học thì tùy theo công việc. Nếu được làm ca ngày, thì đi học ban đêm. Nếu được làm ca hai, thì ban ngày lấy vài lớp học thêm. Chứ lúc đó có một mình, đâu có ai nuôi mà ăn học.
Ngôn ngữ bất đồng, rất là khó kiếm việc làm. Nhất là không có một chút kinh nghiệm gì hết, đến nổi xin vào McDonald làm dọn dẹp, mà họ cũng từ chối vì không có kinh nghiệm quét dọn, và lau nhà.
Nhờ vợ chồng anh chị họ xin dùm cho công việc giữ trẻ tại gia. Ban ngày con bé đi học, chiều tối thì trông con cho chị chủ nhà đi học.
Có một lần con bé giúp người bạn cắm bông đám cưới. Cũng nhờ những cái hình bông đám cưới, mà con bé kiếm được việc làm ở một tiệm bông lớn nhất San Diego.
Sau đó, con bé được nghe kể về những công việc điện tử, làm được lương cao, và còn được bảo hiểm sức khỏe. Nên con bé bắt đầu đi hỏi thăm cách hàn mấy con chip, mấy cái bộ phận điện tử. Vậy mà cũng được nhận vào làm assembly với tiền lương là $3.25 một giờ.
Thời kỳ đó công việc làm điện tử mở ra một vùng trời mới cho con bé, cứ sau khi nó làm xong công việc của nó, thì nó cứ lân la tìm hiểu những công việc khác trong công ty.
Rồi từ từ con bé cũng hiểu được rework là gì. Công việc của tester là làm gì, và công việc của technician là làm gì.
Một hôm, con bé đi lên gặp supervisor của nhóm testers, và nói với ông ấy nó muốn thử làm tester ca hai, con bé còn tuyên bố là làm việc không cần tiền lương. Nếu nó làm được, và làm giỏi thì lúc đó ông supervisor mới mướn nó.
Ông supervisor tên là Ed, ông ta rất yêu quý người Việt Nam, nên ông ta đã cho con bé một cơ hội.
Cái lợi thế của cả hai là không nhiều người làm việc. Ban ngày,
mỗi tester chỉ chạy một máy. Nhưng ban đêm, máy trống nên con bé chạy 4 máy một lúc. Trong ngày đầu làm thử, con bé đã nâng sản phẩm test PC boards từ 35 cái, thành 150 cái.
Sau khi test, có những cái PC boards hư, phải loại ra để cho technician sửa. Con bé tìm hiểu tại sao những cái PC boards này lại hư, và hư cùng một chỗ, hay hư khác nhau. Con bé bắt đầu sắp xếp những cái PC boards hư cùng loại vào trong một cái thùng nhựa, còn những cái hư khác nhau thì vào một cái thùng nhựa khác. Như vậy technician sẽ dễ dàng sửa chữa. Nếu họ sửa được một cái, thì họ sẽ sửa được nguyên một thùng rất mau lẹ.
Cứ như thế mà tiếng tăm con bé vang dội cả công ty, vì thành quả, và sản phẩm vượt bậc, hơn hẳn những cựu công nhân trong công ty.
Sau mấy tháng làm tester, con bé bắt đầu cảm thấy nhàm chán, nên giờ ăn trưa, nó hay lén chạy qua khu khác để tìm hiểu thử kỹ sư thì phải làm gì.
Nhiều ngày nó đi vào phòng thí nghiệm gọi là Research and Develop lab để làm quen, và tìm hiểu. Sau đó, nó cũng tuyên bố là nó cũng làm được những công việc đó một cách dễ dàng. Rồi nó cũng cứ theo cách thức lúc trước, lên gặp ông supervisor của kỹ sư, và xin thử việc bằng cách làm không lấy lương.
Để thử tay nghề của con bé, ông supervisor tên là Simon, đã đưa cho nó một bịch surface mount components, một cái PC board, và một cái blueprint. Ông yêu cầu nó phải đọc cái blueprint, rồi solder những con chips và components vào cái board.
Loay hoay làm sao mà cái bịch rớt xuống đất, đổ tung toé. Hết hồn, con bé bò dưới sàn nhà tìm những cái surface mount components, nhưng có nhiều món nhỏ quá, không tìm thấy được.
Con bé tưởng kỳ này thì tiêu tùng cái cơ hội được vào làm việc với kỹ sư rồi. Nhưng may quá. Có một anh người Việt Nam bước vào phòng lab, thấy con bé đang bò dưới đất, anh ấy đến hỏi. Sau khi thấy con bé ấp úng, và bập bẹ tiếng anh không rành, anh ta chuyển qua hỏi, em là người Việt Nam hả. Con bé mừng quá trời, liền chuyển qua tiếng Việt và nổ như bắp rang là mình khốn khổ như thế nào vì không tìm đủ mấy cái components để build cái board cho ông Simon. Sau khi hiểu đầu đuôi câu chuyện, anh người Việt, đã đi đến phòng stockroom, để yêu cầu một bịch con chips và components mới.
Nhờ sự giúp đỡ của anh kỹ sư người Việt, mà con bé bắt đầu bước chân vào làm trong phòng Research and Develop lab.
Vào những năm 1990, không có nhiều con gái làm kỹ sư. Trong phòng lab có 50 người kỹ sư, toàn đàn ông, và chỉ có một mình con bé phái nữ. Con bé được assigned, phải trợ giúp một người kỹ sư do environment testing trong cái lò hấp, từ trừ 20 độ F đến 120 độ F, để coi những cái PC boards vẫn hoạt động, hay là ngưng hoạt động.
Thường thì mỗi thứ năm thì toàn nhóm phải vào họp, và báo cáo thành quả.
Trong mấy tuần đầu tiên đi họp, con bé cứ thấy sau khi mình báo cáo, thì cả phòng họp rất là kỳ lạ. Có người thì mặt đỏ như đít khỉ, có người thì cứ úp mặt vào bàn họp, và đập đập cái bàn.
Có người thì muốn nói cái gì đó, nhưng lại không có lên tiếng. Làm con bé rất là lo lắng, sợ mọi người không hiểu nó nói cái gì. Vì vậy nó càng chuẩn bị thật kỹ càng, và tập dợt cả đêm trước ngày báo cáo.
Một hôm, ông kỹ sư mà nó giúp việc, gọi nó vào văn phòng của ông ấy. Ông ta nói cho nó biết tên của ông ta đọc là Ash-Shock, chứ không phải là Ass-hole.
Nó vẫn không hiểu tại sao tên ông ấy viết là Ashshock, mà Ass-hole thì không đúng. Sau này anh kỹ sư người Việt mới nói với nó cái ý nghĩa của Ass-hole là cái gì.
Từ đó nó càng không dám thực tập tiếng Anh vì lo sợ sẽ đọc sai, lại ra cái tầm bậy nữa.
Từ khi được làm trong phòng lab, con bé bắt đầu lấy lớp chuyên về điện toán.
Bất cứ những việc gì giao phó cho con bé, nó đều tìm hiểu kỹ càng, cách nào làm cho nó chạy lâu bền, cách nào mua những con chips và components rẻ tiền. Nó cứ lo nghĩ, sợ công ty làm việc lỗ vốn, sẽ sa thải nó, và nó sẽ không kiếm được việc làm tốt như vậy. Vì vậy, khi rảnh thì nó hay đi hỏi ông supervisor tại sao phải đi mua cái power supply, hay cái LED của công ty khác? Tại sao không tự mình làm? Tại sao phải trả tiền cho cái LED quá mắc?
Từ đó nó bắt đầu gọi những công ty khác coi thử có kiếm được cái nào rẻ hơn để thay thế cái đang dùng hay không? Từ từ, ông supervisor để cho con bé làm Cost estimate cho mỗi new product làm ra. Ông cũng hay lắng nghe ý kiến, và những cái phát minh mới của con bé.
Có một lần, con bé đi chơi xa. Khi về thì được biết một phát minh của con bé đã giúp cho công ty tiết kiệm được một số tiền rất là lớn, có thể tính tới con số bạc triệu cho mỗi năm. Tất cả mọi người trong phòng lab được lên lương, được bằng khen, và lên chức. Nhưng con bé thì không được cái gì hết.
Con bé buồn lắm. Nó đi lên cằn nhằn với ông supervisor, rằng sáng kiến đó là của nó mà. Trong thời gian sáu tháng làm ra phát minh đó, nó thường báo cáo với ông ấy những thành phẩm, và phát triển của công việc, nhưng tại sao nó không được khen thưởng, có phải tại vì có không có cái bằng 4 năm hay không?
Có lẽ ông supervisor cải thấy bất công cho con bé, nên ông ấy đã cho con bé một ngàn đồng tiền mặt. Con bé hận lắm, tự hứa với lòng là từ nay về sau, con bé sẽ tự mình làm giàu cho chính bản thân mình, chứ sẽ không làm giàu cho một công ty nào khác nữa.
Sau này con bé ra trường 4 năm, vẫn mỗi ngày xách cơm đi làm, nhưng con đường làm giàu cho bản thân lại đi vào một chiều hướng khác ..."
.
Các bạn, xin các bạn đi ngược thời gian lại chút xíu, vì mình vừa lại nhận được bài của em tự viết. Lần này cũng là nguyên văn của em tự viết...
.
"Chuyến đi xa Việt Nam mãi mãi
Tối hôm đó, con bé mới vừa đi chơi với bạn về, thì thấy má nó đưa có cái túi quần áo, biểu nó chuẩn bị đi vượt biên. Con bé biết đi vượt biên là gì, nhưng nó không muốn đi.
Năm 1975, vì tránh chiến tranh, gia đình con bé phải chạy từ thành phố Pleiku, vào Nam. Trên đường chạy loạn, con bé và em gái nó thất lạc với gia đình. Lúc đó con bé có 8 tuổi, còn con em kế chỉ có 6 tuổi, nó phải dẫn em vừa đi vừa khóc, phải chăm sóc em gái, vừa phải kiếm ăn. Một đoạn thời gian dài không cha, không mẹ đã để một bóng ma to lớn trong lòng con bé, vì vậy nó rất sợ phải xa gia đình lần nữa.
Mấy lần trước có chuyến vượt biên, gia đình cùng đi, nhưng đi hoài không lọt. Sau này hết tiền nên ba má để cho con em kế đi, nhưng đi hoài cũng không lọt.
Lần này ba nó không có ở nhà, má nó bắt nó phải đi, nói là cứ thử thời vận, nên nó chỉ kịp lấy mấy tấm hình chụp với gia đình và bạn bè, là lủi thủi đi theo người cô, và mấy ông anh họ . Từ Sài Gòn, đi xe đò ra Cần Thơ, nó lo lắm, vì nó không có một đồng trong túi. Lỡ bị công an bắt, nó làm sao trở về gặp gia đình đây.
Tại Cần Thơ, nó được đưa lên một chiếc ghe đánh cá, và trốn dưới lườn ghe.
Thời gian cứ chầm chậm trôi, không gian càng ngày càng chật hẹp vì có rất nhiều người lần lượt đến, và trốn vào sườn tàu. Con bé phải ngồi co ro, càng về sau thì nó cảm thấy không thở được. Con bé cứ chập chờn ngủ rồi lơ mơ tỉnh, rồi lại lơ mơ ngủ, thời gian cứ trôi, không biết ngày và đêm. Cuối cùng thì tàu cũng rời bến, chủ tàu cho phép mọi người lên boong tàu ngồi. Con bé tưởng như được sống lại, hít một lồng ngực tràn đầy không khí, và nhìn trời cao, biển rộng. Nhưng ngày nối tiếp ngày, chỉ mênh mông là mây và nước, con bé nhớ nhà lắm, nhớ mấy đứa em của nó, nhớ nhất là ba nó. Khi nó ra đi, ba nó không có ở nhà, không biết ba nó có buồn hay không? Rồi nó lại nhớ trường lớp, nhớ bạn bè, nhớ mỗi góc phố Sài Gòn, và nhớ những buổi chiều đi học về, trời mưa đạp xe đạp lang thang dưới hàng cây. Càng nhớ, nó càng khóc vì không biết tương lai sẽ ra sao. Không biết nó có cơ hội gặp lại gia đình của nó hay không? Rồi mai đây, nó sẽ sinh sống như thế nào? Trong chuyến đi này, có cô ruột (chị gái của ba), và mấy người anh họ. Năm 1975, con bé dẫn em chạy vào Sài Gòn, nhưng cô nó không chịu nhận nuôi nó, thì đến nước ngoài, con bé chắc chắn là cô của nó cũng không chịu nuôi nó đâu. Càng suy nghĩ, nó càng cảm thấy rất là lo sợ.
Ngoài lo sợ cho một tương lai mờ mịt, con bé còn lo sợ những người trên tàu, giành giựt thức ăn và nước uống, đến nổi gây lộn, và đánh nhau.
Cũng hên là chuyến vượt biên này được trời phò hộ, sóng êm, biển lặng. Một buổi chiều, lại gặp ghe đánh cá của người Mã Lai, được họ kéo vô trại lính. Lính Mã Lai quây một cái lều to đùng, rồi cho một xấp báo để trải lót nằm. Mọi người dồn vào trong đó, bà con bàn nhau là đàn bà, thiếu nữ, và con nít thì nằm ở chính giữa cái lều, còn đàn ông con trai thì nằm vòng tròn xung quanh ở ngoài để bảo vệ.
Đêm đầu tiên trên miền đất xa lạ, con bé sợ lắm, không dám ăn, không dám uống, và không dám ngủ. Cô của nó lại mích lòng với mọi người trong tàu, lại đòi ngủ ở một góc lều, không chịu nằm trong vòng tròn. Đêm đó, con bé cứ thức trắng, nhìn những người lính đi qua, đi lại, khua đèn pin đếm người.
Mọi người trong nhóm đã rất mệt mỏi, nên ai cũng ngủ say, tiếng ngáy vang dội mọi nơi. Càng về khuya, thì con bé càng lạ lùng là tại sao ông lính cứ chiếu đèn pin về khu của gia đình cô, và nó nằm. Nó tụt dần, tụt dần vô trung tâm vòng tròn để được nằm gần mấy chị gái, nhưng sợ cô giận, nên không dám vào hẳn bên trong. Đang suy nghĩ, bỗng nhiên con bé thấy một bàn tay, nhè nhẹ kéo chân con gái của cô, con bé hết hồn, quay lại ôm chặt người chị họ và la to. Nó đập cô dậy và nói cho cô biết là người con gái của cô xém bị bắt đi. Sau đó nó chui hẳn vào chính giữa vòng tròn, không dám nằm ngủ cùng với gia đình của người cô.
Ngày hôm sau, những người vượt biên được đưa lên xe đò chuyển đến một nơi khác. Chào đón đoàn người của con bé là một đám người đàn ông đen thui, ở trần, quấn xà rông. Nhìn rất là hung dữ và giống như là cướp biển. Con bé trốn vào một góc phòng và cứ lấy nước mắt rửa mặt. Có một người đến hỏi tại sao nó khóc. Nghe người này nói tiếng việt, con bé thật ngạc nhiên và càng khóc lớn. Người đàn ông này rất là ôn hòa, ngồi xuống nói chuyện với nó.
Được biết người đàn ông đó tên là Chính. Anh ấy là sĩ quan biệt động quân của Việt Nam Cộng Hoà. Anh đã ở trong trại tị nạn 7 năm, vì bảo vệ người Việt Nam vượt biên trên đảo Pulau Bidong chống lại lính Mã Lai áp bức, nên anh bị bắt. Sau đó, không một quốc gia nào chịu chấp nhận anh ấy. Chuyện gần nhất là anh ấy giết chết một người lính Mã Lai và bị giam giữ ở đây.
Sau một lúc làm quen, con bé thẳng thừng nói ra những suy nghĩ và sự lo sợ về một tương lai mịt mờ. Anh Chính đã cho nó biết những điều thiết thực cần làm những ngày sắp tới, để được đi định cư, luật lệ, và cách sống ở Đệ Tam quốc gia. Sau đó anh Chính còn viết cho nó một lá thơ, anh nói chỉ cần khi đến Pulau Bidong, gặp bất cứ người nào trong ban tiếp đón người tị nạn mới đến trại, thì đưa lá thơ. Họ biết sẽ làm gì, và sẽ giúp đỡ cho con bé và gia đình của nó.
Nhờ anh Chính, mà thời gian sau đó cho đến khi đến Mỹ, con bé có được những chuỗi ngày vô tư, và vui vẻ.
Cũng nhờ những lời khuyên của anh Chính, con bé biết cách tính toán, và chuẩn bị cho tương lai, và mạnh mẽ hơn.
Sau một đêm thức trắng nghe anh Chính giảng dạy, con bé theo đoàn người đi đến trại Pulau Bidong.
Ở đây, con bé làm theo lời anh Chính, đưa lá thơ, nên được đưa về khu A, và ở trên tầng hai của một căn chòi khá xinh đẹp. Trong căn chòi này, cũng có nhiều người ở, phái nam ở tầng dưới, còn phái nữ thì ở tầng trên. Đêm đầu tiên, ma cũ bắt nạt ma mới, con bé không có chỗ ngủ, bị đuổi đến căn hộ đối diện vì nơi đó toàn thanh nữ. Nhưng các chị bên đó lại cho biết là mỗi đêm, lính Mã Lai lại mò vào hãm hiếp các chị. Nghe vậy, con bé lại bò về căn trước ngồi khóc. Thấy nó khóc, có một ông chú ở nhà bên cạnh, bước qua hỏi thăm. Sau khi biết được, đã rất giận giữ và chửi những con ma cũ một trận, rằng những căn nhà này là do chính tay chú ấy chặt cây trên rừng về dựng lên, rằng đã là người tị nạn chỉ sống tạm nơi đây, mà còn tham lam, giành giật.
Chú đưa con bé sang nhà bên và nhường cái ghế xếp cho con bé ngủ. Từ đó về sau, con bé được chỗ ngủ, còn chú ấy thì đi chỗ khác ngủ. Sau ngày được biết chú tên là Tăng Phước Dũng. Với sự giúp đỡ của chú Dũng, con bé xin vào làm y tá và làm việc với một bác sĩ người Nhật.
Hàng ngày, con bé đi làm, và bệnh nhân của nó toàn là phái nữ. Có nhiều người chỉ lớn hơn nó có vài tuổi, nhưng tâm thần không được bình thường vì chứng kiến cảnh người thân bị giết, hay bị hãm hiếp mà hóa điên. Có những cô thiếu nữ bộ phận sinh dục bị sưng tấy, bị làm mủ, bị hãm hiếp mà mang thai nên không được đi định cư. Chứng kiến đủ loại hoàn cảnh, đủ loại khổ đau mất người thân, bệnh tật hành hạ. Có thể nói là đoạn thời gian đi vượt biên này, nó đã khóc rất nhiều, khóc cho chính mình, khóc cho những cuộc đời đen tối của người tị nạn, và đã khóc cho hết khoảng cuộc đời còn lại của nó. Nên từ đó về sau, con bé không bao giờ rơi nước mắt nữa.
Nhưng trong cái khổ đó con bé cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể giúp đỡ bệnh nhân qua công việc chăm sóc, và lắng nghe. Nó cảm thấy cái khổ, cái lo âu của nó quá nhỏ bé so với những người xung quanh. Trong khi chờ đợi đi định cư, ngoài những giờ học tiếng Anh, nó dành hết thời gian tìm những công việc như đi phát thơ, đi dạy học tiếng việt, chăm sóc, và vui chơi với những em bé đi vượt biên một mình.
Nhìn lại một năm ở trại tị nạn, phải chân thành cảm tạ anh Chính, và chú Dũng đã chăm sóc, và chuẩn bị cho một hành trang và nhân sinh để sẵn sàng vươn tới một tương lai tươi sáng nơi miền đất hứa. Luôn nhớ mãi những người đặt dấu ấn trong cuộc đời này."
.
Lại được nhân vật chính gởi tiếp bài tự thuật ...
.
"Chuỗi ngày ấu thơ
Gặp lại ba má ở Quy Nhơn, trong căn nhà nhỏ xíu, chỉ có một phòng khách, một cái gác lỡ, và một cái bếp nhỏ. Không to đùng như căn nhà cũ, con bé hỏi ba nó tại sao không về nhà cũ ở. Ba nó nói là căn nhà cũ đã bị bom làm sập rồi, và mình cũng không trở lại được nơi đó, vì có nhiều người biết rõ về dĩ vãng của gia đình.
Ở Quy Nhơn, hoàn cảnh mới, ba có thể khai làm lính, không có chức vụ gì hết. Vậy mà ba cũng vẫn bị bắt đi học tập cải tạo. Ba bị đưa đi đâu cũng không ai biết, ở nhà chỉ còn má với 6 chị em nó.
Hồi đó hợp tác xã ấn định số lượng thực phẩm theo đầu người. Nhiều gia đình không đủ ăn. Chỉ có những nhà có công cách mạng, và cán bộ mới mua được dư dã thực phẩm. Mỗi ngày má đi sớm về trễ mua gạo rồi đi bán dạo.
Là chị cả, con bé phải nấu cơm, đưa em đi học, và coi em bé. Nhiều công việc để làm lắm, làm hoài không hết. Nên con bé bắt đầu nghĩ cách. Thay vì buổi chiều phải tắm cho mấy đứa em, giặt quần áo, rồi lau nhà cho sạch để tối còn nằm ngủ. Con bé đem mấy cái thau to đùng vào phòng khách, rồi kéo nước cho đầy, rồi cho phép mấy đứa em vọc nước, và tắm rửa. Sau đó nó thay quần áo ướt cho các em, giặt sơ quần áo đem đi phơi, bắt tụi nó leo lên cái đi văng ngồi để nó lau khô nền nhà là xong.
Có khi má nói bị bắt vì cái tội buôn lậu gạo, ở nhà không có tiền đi chợ, mấy chị em chỉ có ăn cháo trắng với muối hột, khuấy bột ăn, hay đi xin thân cây chuối về luộc ăn. Sau này, học khôn, thay vì mua khoai lang loại to; năm ngàn đồng một ký lô được 6 hay 7 củ, con bé mua loại khoai lang mót, một ký lô được mấy chục củ, vừa rẻ tiết kiệm tiền,
vậy mà còn được thêm vào mấy củ nữa. Nó cứ đem luộc, rồi chia đều 6 cái tô, cho mỗi đứa một tô. Cả đám bê ra ngồi trước cửa vừa ăn, vừa ngóng má về, nên hàng xóm láng giềng đặt tên cho đám chị em con bé là giòng họ bê bi tô.
Ở Quy Nhơn chưa được hai năm, gia đình nó bị đi kinh tế mới. Nhà bị niêm phong, công an đuổi đi, không cho lấy mang theo một món gì hết. Mấy chị em muốn đem theo con chó già mà cũng không được.
Má đưa mấy đứa con về ở nhà ông bà ngoại. Vì không chịu đi kinh tế mới, nên không có hộ khẩu gia đình. Tổ trưởng khu phố đến làm khó dễ hoài. Còn đi học trường làng thì mấy chị em nó bị bắt phải bơi qua sông, xúc cát đem về nộp, hay đi đào hồ, tu bổ trường. Nếu không thì phải đóng tiền thay thế. Đủ loại đòi tiền, trong khi bán gạo dạo lại không được bao nhiêu, má con bé dành phải đi vay mượn trong gia đình đi buôn lậu theo đường xe lửa.
Ông bà ngoại thì lo làm ruộng, nên con bé và đám em được thả lỏng, mọi điều thật mới lạ đối với một lũ nhóc con dân thành phố. Hàng ngày, ngoài đi học thì con bé dẫn bầy em đi theo trẻ con trong xóm, đi mò ốc, đi bắt con cánh xòe ăn lá mè ban đêm, đi mót lúa, mót đậu xanh ở những cánh đồng đã thu hoạch xong, hay đi bẫy chim se sẽ. Hễ miễn là món ăn vào trong bụng được thì mấy chị em đều nhào vào làm.
Không những vậy, còn đi phá làng phá xóm nữa. Thấy cây mít bên nhà hàng xóm lủng lẳng trái. Buổi trưa hè mà mùi mít thơm nồng, con bé chỉ huy bầy em đi ăn cắp mít, đục cái lỗ chó, nhưng con bé không chui vào được, dành dặn dò thằng em trai nhỏ chui vào. Đi ăn cắp mà thằng em trai cứ la to “Chị Hai, chị muốn trái mít nào, trái bên trái, hay trái to”. Thiệt là muốn bị đánh mà. Thời gian đó, vui không thể tả, giang nắng không được bao lâu, mấy chị em đen thui đến má cũng không nhận ra luôn.
Đi học tập 3 năm, ba được thả về vì ba khai chỉ là lính quèn, chứ không có chức vụ gì hết. Thấy không thể sinh sống được, ba đem cả nhà vào Sài Gòn với hy vọng là các anh chị của ba sẽ giúp đỡ tìm cách sinh sống, và tìm đường vượt biên. Cuộc rong chơi tự do của con bé và bầy em chấm dứt từ đó."
.
Cũng như những người VN thuộc thế hệ thứ nhứt, qua đây em lăn xả đi làm đi học để tự nuôi mình, tự lực cánh sinh, không phải nhờ vả ai, hơn nữa em còn có bổn phận bảo lãnh ba mẹ và các em em qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, vì em là con lớn trong nhà.
Cuối cùng thì em cũng lấy được bằng kỹ sư, tức là bây giờ gọi là bằng cử nhân, và bảo lãnh được cho gia đình qua Mỹ . Ngoài ra các anh chị của ba cũng lần lượt định cư tại Mỹ như bác Năm, cô Sáu, cô Tám.
Ba em sau khi qua Mỹ một thời gian dài thì mất.
Ngày ba em mất, bác Năm bay từ tiểu bang khác qua dự tang lễ. Bác Năm ngày xưa là người đánh chửi em một cách vô cớ nhiều nhứt. Em còn nhớ năm 1975, khi miền Nam sụp đổ, thì trước nhà bác Năm có nhiều xác chết của những người lính VNCH. Bác Năm không sai bảo 8 người con của bác ra dọn xác chết, mà chỉ bắt mỗi mình em ra dọn. Bác Năm đưa cho em mấy cái bao gạo trống không, kêu em lượm xác chết bỏ vào đó. Xác những người lính không còn nguyên vẹn, có lẽ trúng bom mìn hay sao mà thân xác văng ra từng khúc, máu me tùm lum. Em lượm vào bao vừa sợ vừa khóc. Đến giờ em còn bị ám ảnh chuyện này ...
Sau khi mọi người thân lên phát biểu trong tang lễ ba em, thì em cũng giơ tay lên xin phép nói ...
Giữa tang lễ có đầy đủ mọi người, thì em nói con cám ơn bác Năm, vì bác Năm là người đánh chửi con vô cớ nhiều nhất, nói con là sau này lớn lên giỏi lắm chỉ là ở làm lao công hoặc đi ở đợ, cho nên con cố gắng học, để chứng minh cho bác Năm thấy là bác Năm sai ...
Bác Năm nghe xong giận em lắm, nói là sau này không thèm qua Cali thăm gia đình em nữa .
Thôi thì vậy cũng xong ...
Đoạn kết
Khi mình nghe câu chuyện về cuộc đời em thì mình như mất ngủ, bần thần xốn xan, định bụng sẽ viết xuống, vì cuộc đời em nhiều bi kịch quá, như là trong một chuyện phim vậy . Cũng như cuộc đời mình, sau 75 từng bị ăn độn khoai lang khoai mì, bị nghèo khổ bất chợt, đến như một ổ bảnh mì thịt hay một dĩa cơm sườn tự dưng biến thành một xa xí phẩm , cho nên mình thấu hiểu tất cả các cơ cực của em.
À, nhân vật chính có ở đây, có thể đang đọc những dòng chữ này như các bạn, từ phần một cho đến phần chót, nhưng không cho mình reveal tên tuổi, cho nên mình không dám reveal ...
Nếu bạn nào đoán được là ai, cũng xin đừng reveal ...
Cám ơn các bạn đã xem.
Cancun. March 15th, 2024
No comments:
Post a Comment