Wednesday, January 30, 2013

Tản mạn chuyện Tết


Cây mai vàng cho lớp 1A trường Lạc Hồng 
.
Mà phải nói, cái mùi thuốc pháo ngai ngái , nồng nồng , đâu có gì thơm tho, vậy mà nó làm cho người ta thấy Tết đang về ngay lập tức !

Cứ mỗi mùa Xuân về , là nghe tiếng pháo . Kèm theo tiếng pháo , là mùi thuốc pháo nồng nàn , tiếng trống tùng xèng , và những con lân cầu kỳ nhiều màu sắc múa may trên đường phố , kéo theo sau lưng là một bầy trẻ nhỏ hiếu kỳ bu đen đỏ . Thế là Tết đang đến !

Tết đến ngoài những tiếng pháo , tiếng trống múa lân, mà còn là những chậu bông tươi tắn khoe màu sắc, những thứ bánh kẹo thơm tho, mời gọi , những phong bì lì xi đỏ au , và những tà áo dài thướt tha, tha thướt bay bay trong gió ... Ba thì  để mắt tới những kí lô tôm khô , những bịch lạp xưởng , và cả nguyên 1 chai cồn để dành nướng lạp xưởng . Mẹ thì lo kiếm củ kiệu , nồi măng kho, nồi thịt kho hột vịt , bánh chưng , bánh tét , kẹo mứt , ... Đám nhỏ lăng xăng thì chỉ mong mau Tết để được diện quần áo mới , được nhận những phong bì lì xì đo đỏ, tuy nho nhỏ nhẹ nhẹ , nhưng biết đâu lại ..... nặng nặng bên trong !

Đó là Tết của thuở ấu thơ của nhiều năm về trước !

Bây giờ thì nơi xứ người , cố gắng xây dựng lại những hình ảnh Tết tại quê nhà cho bọn trẻ , miệt mài dạy bọn trẻ những bản nhạc về Tết, những phong tục , tâp, quán của ngày Tết , chậu mai vàng , bánh chưng xanh , nén nhang thơm , sự tích An Tiêm và dưa hấu , ....
Ráng lắm thì bọn trẻ chỉ vỏn vẹn hiểu là Tết thì có múa lân đì đùng , có áo dài bay bay , có tiền lì xì nằm trong các phong bì đo đỏ ..... Vậy cũng hay lắm rồi , có còn hơn không , phải không các bạn ???

San Diego, Jan 2013

Xin Phép Cán Bộ

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ...
Sau đây là 1 trong những vô vàn chuyện vượt biên ...."

Xin Phép Cán Bộ
Thục Khanh

Số là cái nhà tù mà K bị nhốt ở Năm Căn giống như cái "chuồng khỉ" vậy. Họ xây "chuồng" bằng những cây đước cách nhau cỡ 1 gang tay để "họ" có thể đứng ngoài quan sát được tù nhân. Cửa "chuồng" luôn được khoá chặt, chỉ mở cửa 3 lần 1 ngày thôi. Một lần lúc sáng sớm để tù nhân ra ngoài ..."xả bầu tâm sự" ! Còn 2 lần kia là trưa & chiều để lãnh cơm.
Mỗi sáng trước khi ra ngoài thì tù nhân phải sắp hàng bên trong rồi mỗi lần được ra cỡ 10 người. Người nào đứng đầu phải "xin phép" cho cả đoàn luôn. Tên bộ đội ngồi trên gác cao bắt người đứng đầu phải xin phép như vầy:" Xin cán bộ cho tù nhân đi cầu ". Vì tên bộ đội ngồi tuốt trên cao nên hắn bắt mình phải nói cho lớn để ra oai. Vì phải xin phép phiền phức như vậy nên không khi nào K muốn đứng đầu hết vì sợ mình "lỡ miệng" nói sai gì thì tiêu. Vậy mà nhiều khi có chị bị ..."líu lưỡi" vì run nên xin phép như sau:"Xin tù nhân cho cán bộ ...đi cầu "!! Khi mà nói lộn như vậy thì chị đó cũng run nhưng cũng không dám nói lại vì sợ tên đó để ý rồi "đì". Nhưng tên bộ đội đó không nghe được hay không để ý mà những tù nhân lại cười rinh rích. Sau mấy lần như vậy mà không nghe tên bộ đội nói gì nên mấy chị lại cố ý nói ngược để chọc mấy tên đó. Vậy là bà con được 1 chầu cười đỡ buồn.
Bây giờ nghĩ lại thấy mình hồi đó thật vô tư, chuyện gì cũng có thể đùa giỡn được, đúng là "điếc không sợ súng ".
Thục Khanh
01/20/2013

Tản mạn hoa đào

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ..."

Tản mạn hoa đào
 Aza Lee

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên hình ảnh ngày Tết đối với tôi là những cành mai vàng rực rỡ . Thậm chí nhà tôi cũng có trồng một cây mai Tứ Quý. Mỗi độ xuân về ba tôi lại cặm cụi cắt cành, tỉa lá để có những chùm bông mai thật to, rộ lên vào sáng mồng một. Nhưng tôi không thích hoa mai cho lắm, có lẽ vì màu hoa rực rỡ quá, chọi hẳn với màu đỏ của mấy câu đối Tết và màu lá dong của bánh chưng xanh. Từ ngày còn bé tôi đã mê hoa đào. Ở miền nam không có hoa đào. Mẹ tôi học trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học Đà lạt nên tôi vẫn nhớ mãi những cành đào dại mọc trên con đường đèo đi đến

Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương …
(Thơ : Vũ Hữu Định - Phổ nhạc: Phạm Duy)

Những cành đào dại này hoa chỉ phơn phớt hồng, cánh hoa nhỏ và thưa, cành thì uốn lượn đủ kiểu trông rất lạ mắt. Nó làm tôi quên đi nỗi sợ hãi khi phải đi qua những ngọn đèo quanh co, vực sâu hun hút nhìn không thấy đáy. Nhưng tôi chỉ được ngồi trên xe đò ngắm mà thôi chứ chưa hề được cầm một cành đào dại trong tay.

Ông ngoại tôi hay kể tôi nghe về quê hương đất bắc mà trong trí óc non nớt của tôi nó xa lắc xa lơ tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi. Nhưng tôi lại hình dung ra được một cảnh chợ hoa với màu hồng thắm của những cành đào trong mấy tấm hình đen trắng đã ngã sang vàng ố mà ngoại tôi còn lưu lại. Mấy chuyện kể của ngoại tôi luôn có bóng dáng hoa đào trong đó. Tôi có lần dám hỏi ngoại có thầm thương trộm nhớ cô gái Hà thành nào không (bà ngoại tôi quê ở Nghệ An) thì bị ngoại tôi cú một phát vào đầu đau điếng.

Ông ngoại tôi rất phong kiến nên dù di cư vào nam đã lâu ngoại tôi vẫn giữ những phong tục ngày tết ở miền bắc như phải có nồi thịt đông ăn với dưa chua, chè kho, bóng xào v.v… Chỉ có hoa đào là ngoại tôi chịu chết, không kiếm được ở đâu ra. Ngoại tôi nói rằng ngoại không phải là dân chơi hoa nên cũng không sành về đào lắm, nhưng hoa đào ở "miền bắc xa lắc xa lơ không tưởng tượng ra  nổi" của ngoại có lẽ xuất xứ từ bên Trung Hoa nhưng chắn chắn không phải là hoa đào có nguồn gốc ở xứ Phù Tang vì Tàu và Nhật vốn không ưa nhau thì hoa đào Nhật không thể chấp cánh bay qua Tàu được. Còn Nhật với Mỹ thì tuy quan hệ có bị trục trặc vì mấy quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki nhưng không có hiềm khích dân tộc nên Nhật sẵn sàng tặng Mỹ vài cành anh đào đem về làm kiểng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.


Ngay cả ở Đức lễ hội hoa anh đào của đất nước mặt trời mọc đã từ lâu trở thành một phần trong nền văn hóa của họ. Hàng năm vào tháng năm ở vài thành phố như Hamburg, Düsseldorf người Đức và người Nhật sinh sống ở đây cùng tổ chức ăn mừng lễ hội hoa đào kèm theo nhiều hoạt động văn hóa khác.
Tuy không có cảnh rừng đào núi Phú sĩ nhưng ta thấy như đang ở Nhật bản với các món Sushi, các môn võ thuật Judo, Karate, Sumo, nghệ thuật bắn cung Kyudo, hay những người hóa trang thành Samurai, Manga v.v. Lễ hội bao giờ cũng kết thúc bằng một màn bắn pháo bông thật đẹp trên dòng sông Rhein ở Düsseldorf hay sông Alster của Hamburg.

Tôi chưa có dịp sang xứ Phù Tang để thấm hiểu được ý nghĩa của câu

A flower is a cherry blossom, a person is a Samurai
Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào, nếu là người, xin làm một võ sĩ đạo

vì tất cả các loài hoa đều rụng khi đã hoặc bắt đầu tàn, riêng hoa anh đào là loại hoa duy nhất rụng ở độ còn đang tươi thắm, cũng như người võ sĩ đạo sống là phụng sự hết mình và biết chết một cách cao đẹp. Tôi cũng chưa hề đặt chân đến thủ đô Hoa Kỳ để thưởng thức cảnh hoa đào nở bên dòng sông Potamac và cũng chưa thấy hoa đào của Thôi Hộ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Đề Tích Sở Kiến Xứ)

Dịch là
Năm ngoái ngày nầy qua cánh song
Đào hoa phản ánh má ai hồng
Người xưa nay đã về đâu nhỉ!
Chỉ thấy hoa cười trong gió đông

Tôi không là tử sĩ Thôi Hộ vì thấy một tuyệt sắc giai nhân đứng dựa cành đào mà cảm xúc viết bài thơ gài vào cánh cửa rồi bỏ đi để Đào hoa nữ tương tư biếng ăn rồi chết. Thơ văn Trung Hoa nó cao siêu quá, nó xa lạ với tôi quá. Tôi chỉ nhớ những cành đào cười với tôi trên tuyến đường xe đò cao nguyên đèo heo hút gió và hoa đào trong ký ức một thằng bé con về "miền bắc xa lắc xa lơ không tưởng tượng ra nổi" của ngoại nó.

Aza Lee
12/2010

Tuổi hoa niên

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ..."

Tuổi hoa niên
Aza Lee

Năm Tân Mão muốn viết lăng quăng vớ vẩn về mèo mà nghĩ mãi chả biết viết gì. Lại nhớ có con cháu gái sinh năm Kỷ Mão, tức là năm nay tròn mười ba tuổi ta. Tuổi này nếu ở Việt nam thì vẫn thuộc về tuổi ... nhi đồng, cơm ăn còn dính mép, mấy thằng nhóc tì có khi còn ở trần đá banh ngoài đường. Nhưng ở bên Đức này khó mà nói được khi nào … em còn được gọi là "em bé ngoan"

Vì chúng em đi học đều
Đi học em ngồi nghe rất chăm
Cô giáo khuyên đều vâng theo
(Phan Huỳnh Điểu)

và khi nào em bắt đầu bước vào tuổi hoa niên.

Tuổi hoa niên theo như định nghĩa của người Đức có ghi trong bộ luật dân sự đàng hoàng (Bürgerliches Gesetzbuch, BGB) là từ 14 đến 17 tuổi, tức là lúc mà con gái sáng trước khi đi học chải tóc không dưới 20 phút và con trai giọng bắt đầu ồm ồm đổi sang tông "cờ" như ... cứng đầu, như .. cãi bướng, gọi với từ chung hay xài là tuổi "teenager".

Teenager có nguồn gốc từ tiếng Anh, tức là tuổi giữa 13 (thirteen) và 19 (nineteen) vì các con số tử 13 đến 19 trong tiếng anh đều kết thúc bằng chữ "teen". Do bên xứ âu tây sáng bánh mì bơ sữa, chiều … sữa bánh mì bơ, nên cái đám "tí nị" (teenie) này mới mười hai mười ba tuy không phải đánh quân Nguyên mà cơ thể đã phát triển nhanh còn hơn Phù Đổng. Ở cái tuổi mà ông Phạm duy phán cho là "Tuổi mộng mơ"

Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
Em ước mơ em là, em được là tiên nữ
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ tiên!

thì tôi được nghe ông anh tôi than phiền là đứa con gái mười hai tuổi chỉ ưóc mơ áo khoác hiệu Bench, bà hàng xóm gặp tôi là lải nhải thằng con trai mười bốn tóc nhuộm xanh đỏ bôi keo dựng sừng sững như mào gà, quần mặc xệ lòi xà lỏn v.v.

Không hiểu do thế giới phát triển quá nhanh về cả vật chất lẫn thông tin hay do đó là quá trình tự nhiên của xã hội tân tiến mà cái đám "tí nị" ngày nay khác hẳn lứa tuổi hoa niên của tôi ngày trước. Tôi còn nhớ năm 12 tuổi tôi mới lần đầu được đạp xe đạp đến trường một mình, được bố mẹ "phát" tiền quà sáng vì bắt đầu lên trung học là "nhớn" rồi, không còn sáng nào cũng phải ăn món xôi bắp rẻ tiền mẹ tôi mua của bà gánh hàng rong nữa. Bên này mấy ông bà "tí nị" thì rủng rỉnh điện thoại di động, có đứa còn chơi cả iphone, đi học mà trên đầu cứ lủng la lủng lẳng dây điện để nghe "em bê thai" (MP3), trông cứ như là người của hành tinh khác í.

Mười hai tuổi tôi cũng được phép để tóc dài và từ bỏ hẳn mái tóc "Lên-Ngang-Xuống" theo kiều búp bê nhật bản rất ư là nhi đồng của tôi. Sáng sáng mẹ tôi khi thì thắt thành hai cái bím xinh xinh, có lúc cột lên kiểu đuôi ngựa và không bao giờ mẹ tôi quên điểm lên đó một cái nơ thật to. Hôm nọ ngoài phố tôi đang lầm bầm nghĩ bụng "Quái, con cái nhà ai mà tóc tai xõa xượi che hết cả mặt mũi trông ngứa mắt quá" thì bất chợt nó "há lô" chào tôi. Thì ra là … con cháu gái nhà mình. Cái "mô đen" con ma nhà họ Hứa này cũng được đem lên phim nữa đấy các bạn ạ. Trong phim "Gia đình siêu nhân" (The Incredibles) có cô bé biết tàng hình Violet cũng "chơi" kiểu tóc "màn che" này, có nghĩa đây là một triệu chứng chung của các em "tí nị" chứ không phải riêng gì con cháu gái nhà tôi.

Chưa hết. Ở cái

Tuổi là cây bút thon thon ngọc ngà
Tuổi là sách thơm, trong như ngoài bìa
(Tuổi thần tiên - Phạm Duy)

dù lớp tôi có cả nam và nữ tôi chỉ có chơi với vài bạn cùng phái mà thôi. Ngay cả lưu bút cũng chẳng dám đưa cho mấy thằng con trai cùng lớp vì sợ chúng vẩy mực vào và quan trọng hơn nữa là nếu mà đám bạn gái của tôi khám phá ra rằng tôi có liên quan đến bọn đầu húi cua kia thì chúng nó sẽ tẩy chay tôi ngay. Thế mà con cháu gái nhà tôi bạn bè không biết ở đâu ra, trai gái đủ cả, suốt ngày chít chát trên mạng. Chả biết chúng trao đổi với nhau những gì, chỉ biết ông anh tôi có lúc phát cáu, cắt phăng dây điện. Hỏi han các phụ huynh khác thì mới vỡ lẽ ra rằng có gia đình mỗi lần ông bố bước chân ra khỏi nhà thay vì cắp ô thì ôm cái ổ máy dùng để nối mạng hoặc bỏ vào tủ khóa lại, có gia đình thì máy tính để ở phòng ngủ, muốn vào mạng phải ... đánh thức bố mẹ dậy cái đã, chưa kể ông bu bà bu ngồi kè kè bên hông như cai tù ấy. Mới đây tôi còn nghe có mẹo mới là dùng giấy bạc xếp thành hình chóp mũ rồi chụp lên cần ăng-ten của ổ phát sóng WLAN (Wireless Local Area Network, drahtloses lokales Netzwerk), một sáng kiến có một không hai được sinh thành từ sự bất lực trước đà tiến hóa quá nhanh của cộng đồng "tí nị" về lãnh vực Phát-Thông-Nhắn-Nhận tin mà không cần phải ỉ ôi rằng

Ước gì mình đừng ngăn cách
Ước gì nhà mình chung vách
Hai đứa mình thức trắng đêm nay
(Nhớ người yêu - Sáng tác: Hoàng Hoa/Thảo Trang - Ca sĩ: Chế Linh)

Còn một điều cũng nên nói qua là không hiểu bên này quần áo họ may bằng loại vải vóc đặc biệt gì mà đám "tí nị" hễ thay đồ ở đâu là quần áo cứ dính chặt tại chỗ nên chúng nó không thể nhặt đem vất vào trong máy giặt được. Hiện tượng này không phải chỉ tôi thấy ở con cháu gái nhà tôi mà hầu như các đấng sinh thành nào ở đây cũng đều nhất trí cho là đúng cả. Có nhiều gia đình lâu lâu rỗi việc bèn đi thu dọn phòng ốc của dân cư "tí nị" thì phát hiện ra gầm giường chúng nó là nơi thu hồi rác đủ loại, từ giấy kẹo, lon cola đến đồ hộp ăn còn bỏ dở mốc xanh mốc đen cả lên. Chả bù với tôi ngày xưa cứ chiều đến là tôi có phận sự xách thùng rác đi đổ trước khi giúp ngoại tôi nấu cơm. Ăn cơm xong lại được rửa bát. Cứ hai ngày thì lau nhà một lần và khi nào quần áo giặt xong thì đem lên sân thượng phơi.

Chỉ mỗi một điều mà tôi thấy các ông bà "tí nị" này hơn hẳn tuổi hoa niên của tôi ngày xưa. Đó là lòng ... tự tin. Phải thành thực mà nói bên âu tây này lòng tự tin là một đức tính cần thiết để đạt được thành công trong cuộc sống đầy bon chen ở đây. Các em "tí nị" tin chắc như bắp, như đinh đóng cột rằng chúng nó ... biết hết, hiểu hết, nên đôi khi những lời khuyên răn của cha mẹ cứ khoan thai đi du lịch từ tai này sang tai kia mà không để lại dấu vết gì.

Những ước mơ của các bậc phụ huynh

Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên,
Khóm măng non xinh tươi vươn lên
Tuổi hoa niên học cho nên
Xứng đáng công dân hiền
(Minh Kỳ)

tôi thấy sao nó như chuyện khoa học giả tưởng. Thôi thì ta tự an ủi rằng "đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục", miễn sao thế hệ "tí nị" bên này ăn đến nơi, học đến chốn là ta cũng mãn nguyện lắm rồi, đòi hỏi một tuổi hoa niên

Tuổi ấu trí tập rèn chí khí
Để mai sau tràn ngập tương lai
Bước vào đời gắng giúp mọi người
Cùng tiến bước vì đất nước
Giữ non sông thương yêu quê hương

có lẽ chỉ mãi là giấc mơ của một người xa xứ như tôi.

Aza Lee
(12/2010)

Rau muống

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ..."

Rau muống
(Aza Lee)


Nói đến rau muống thì ai cũng nghĩ đến "việt nam quê hương tôi" vì rau muống là loại rau mà ta thấy nhan nhản ở việt nam từ nam chí bắc, ở đồng quê dưới dạng những ao rau muống xanh rì, ở thành phố qua những bó rau muống dù nằm chất chồng lên nhau ngoài chợ cũng xanh mươn mướt một màu. Rau muống từ lâu đã trở thành một loại rau "dân tộc":

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
(ca dao)

Năm mười sáu tuổi tôi leo lên tàu đi tìm tự do, bỏ lại sau lưng cả trời kỷ niệm và những bó rau muống xanh rì ở chợ Bàn cờ.  Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, "ao rau muống" chỉ hiện lên trong đầu tôi qua trí tượng tượng bởi những bài văn tả cảnh hay những hình ảnh trên ti vi chứ tôi chưa từng thấy ao rau muống bao giờ. Chúng tôi may mắn được tàu Đức vớt sau ba ngày lênh đênh trên mặt biển và đưa đến tạm trú tại đảo Galang thuộc nước Nam dương (Indonesia) trong khi chờ làm thủ tục đi định cư.

Ở đảo, hàng tuần ba anh em tôi được liên hiệp quốc phát gạo và đồ hộp đủ loại. Gạo thì khỏi nói rồi, đó là một loại gạo mỹ trắng phau, thơm phưng phức. Từ lâu tôi đã quen với bữa cơm pha lẫn khoai lang hay bắp, hoặc tệ hơn nữa là bo bo, vừa ăn vừa nắn lại hàm cho khỏi bị trẹo. Đồ hộp cũng đa dạng lắm, lúc thì thịt bò, thịt heo, có cả cá, rau đóng hộp v.v... Ăn đồ hộp đến tuần lễ thứ ba thì ông anh tôi chịu hết nổi vì bị ... táo bón nặng, nổi mụn tùm lum. Có nhiều gia đình lúc đi còn dằn túi được ít đô la nên họ có thể dùng tiền để mua rau tươi của người bản xứ ăn kèm vào những bữa cơm dã chiến. Ba anh em tôi thì ngoài bộ đồ mặc trên người mẹ tôi chỉ đủ sức gói thêm ít lương khô cho chúng tôi mang theo vì cả gia tài đã góp hết vào những chuyến đi vượt biên không thành rồi. Cái khó ló cái khôn. Cái … táo bón đã bắt anh tôi suy nghĩ để kiếm tiền mua rau vì chúng tôi như đã kể ở trên là dân thành thị nên không dám vào rừng hái rau rừng bởi chúng tôi sợ  ... chết oan mạng nếu ăn phải loại rau độc. Anh tôi bèn lên cao ủy xin làm thông dịch cho những người việt không biết tí tiếng anh nào để trả lời phỏng vấn. Nhưng cao ủy nói làm ở đây là làm thiện nguyện không lương và hỏi lý do tại sao ổng muốn đi làm. Ổng thành thực khai là vì bị ... táo bón triền miên chịu không thấu nên cần tiền mua rau ăn. Ông cao ủy phì cười và nói cái gì chứ cái đó thì ổng giúp được và kêu anh tôi đi làm thông dịch cho ổng rồi ổng sẽ chia cho một ít khẩu phần rau của ổng. Anh tôi ngu gì từ chối dù biết vốn anh ngữ mà mẹ tôi đã bỏ biết bao nhiêu tiền để ổng đi học thêm buổi tối chỉ xứng đáng bằng ... nửa bó rau. Buổi chiều sau hôm làm việc đầu tiên anh tôi lững thững đi về barrack miệng huýt sáo rất yêu đời và, như một cô dâu, trên tay anh tôi rạng ngời một .... bó rau muống. Lần đầu trong đời tôi mới nhìn kỹ cành rau muống lúc tôi ngồi cẩn thận lặt từng cọng rau xanh rì trong tay. Khác với rau muống việt nam, rau "cao ủy" to cọng, to lá hơn và đặc biệt là tôi phát hiện ra có cọng còn dính cả rễ và ... đất.

- Ngộ quá, em chưa thấy rau muống loại này bao giờ ?
Ông anh tôi xăm soi một hồi rồi kết luận:
- Chắc là rau Nam dương, xứ quần đảo ít nước nên phát sinh ra loại rau muống ... đất đó mà.
Rồi ổng phán một câu xanh rờn ... rau muống:
- Người Nam dương trồng được thì người Nam ta cũng trồng được.
Thế là chúng tôi cả ba hăm hở ngồi nhặt những cọng rau muống còn rễ rồi đem ra khu đất trống nhỏ phía sau barrack cắm xuống. Ở đảo chúng tôi được phát nước ngọt để uống, còn muốn tắm nước ngọt thì phải ra suối tắm. Các gia đình có đàn ông lực lưỡng thì mấy ông chồng còng lưng đi xách nước suối về trại đổ vào thùng cho các cô, các bà tắm, vừa không sợ bị muỗi đốt vì ở suối muỗi bâu đen kín, nếu tắm ngay tại suối phải tắm thật nhanh, một tay cầm một cái ca để dội nước, tay kia thì ... đuổi muỗi, chân tay khoa loạn xị trông cứ như là sơn đông múa võ vậy, vừa không bị "lộ thiên" vì có phòng tắm là bốn miếng tôn quây lại tránh được những ánh mắt ... dê xồm của những ông chỉ muốn "em đi về cầu mưa ướt áo". Tôi thì làm gì được chế độ tắm nước "gánh về" ấy. Hai ông anh tôi cũng có gánh nước tắm nhưng là nước "gánh về" cho mấy cô "người yêu bé nhỏ của anh". Mười sáu tuổi tôi chưa có người yêu để "phục vụ" tôi mà chỉ có hai ông anh mà tôi phải phục vụ cơm nước dù chỉ là cơm cao ủy, gạo mỹ, đồ hộp. Chẳng những thế từ hôm có vườn rau muống tôi còn có thêm nhiệm vụ gánh nước từ suối về để tưới rau nữa.

Không hiểu vì mát nước suối mát tay tôi mà rau muống chúng tôi lớn nhanh như thổi, cọng nào cọng nấy mập thù lù chứ không mảnh mai như rau muống nước. Chúng tôi chia cho những người cùng ghe. Rồi họ cũng tự trồng. Rồi họ chia cho những người ghe khác. Đứng trên đồi nhìn xuống tôi thấy những luống rau muống xanh nho nhỏ trông như những đốm lang ben trên mặt người thanh niên đang lớn.

Rồi cũng đến ngày người thanh niên trưởng thành và đến ngày chúng tôi rời đảo đi định cư. Tôi không mang theo được một cọng rau muống nào dù chỉ để làm kỷ niệm. Vườn rau được "bàn giao" cho người còn ở lại. Sang bên này tôi không có cơ hội để gieo lại vườn rau muống vì những bó rau bán ở chợ á châu cũng xanh rì nhưng nó không có rễ, không có đất, không có người bị táo bón để khai sinh một loài rau muống ... lang ben. Mỗi lần cầm bó rau muống trong tay tôi lại bùi ngùi nhớ những cây rau muống đảo. Rau muống của tôi. Rau muống người vưọt biển.

Aza Lee
Germany – 06/2009

Thursday, January 17, 2013

Mưa Sài Gòn

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ..."

Mưa Sài Gòn
(Aza  Lee)

Ở xứ này người ta hay có những bài tả cảnh mùa đông tuyết rơi phủ trắng trên các cành cây thông rất ư là lãng mạn. Tôi sinh ra và lớn lên ở Saigòn, nơi chẳng khi nào có tuyết rơi, cái duy nhất rơi từ trên trời xuống là … mưa. Không biết các bạn còn nhớ mưa Saigòn ra sao không ? Riêng tôi, mãi đến bây giờ tôi vẫn mang ach ách trong lòng một thắc mắc là không hiểu các nhà văn, nhà thơ có một bộ não cấu trúc khác tôi như thế nào mà họ có thể biến những cơn mưa Saigòn thành những bài thi ca cũng không kém phần tình tứ như những bài tả cảnh mùa đông rét căm căm ở nước đức này.
Ngày xưa nhà bà ngoại tôi ở chợ Bàn cờ, khu Nguyễn thiện thuật. Cứ đến mùa mưa là mười lần cả mười, nước mưa cứ tràn vào nhà chẳng đợi ai mời mọc. Mưa Saigon` là mưa nhiệt đới, tức là mưa giông, khi sắp mưa thì trời tối xầm hẳn lại, chỉ một lát sau là đổ mưa như trút. Lúc còn bé tôi hay mong mưa xuống, một phần vì cái nóng ngột ngạt của Sài thành, một phần vì được ra đường tắm mưa thoả thích. Nước mưa mát rượi và đổ xuống ồ ạt, không chảy rỉ rỉ như nước ở cái vòi hoa sen cà tàng nhà ngoại tôi.
Khi tôi vào trung học không còn tắm mưa với lũ bạn hàng xóm nữa tôi mới bắt đầu khám phá ra cái bề trái của những cơn mưa hè Saigòn vì tôi phải phụ bà ngoại những lúc mưa đổ xuống. Phụ gì ư ? Khi trời bắt đầu đổi qua màu xám báo hiệu cơn giông sắp đến là tôi cùng ngoại tôi đi quanh nhà, dùng chổi khua hết những đồ dưới gầm bàn, đi văng, tủ, chạn vv.... Phần hai là khuân những đồ cần tránh thấm nước như thùng gạo, bếp lò ... lên những chỗ cao hơn. Rồi tôi có nhiệm vụ "di tản" chú mèo tam thể yêu quý của ngoại tôi lên lầu, không phải vì nó què quặt không đi được mà vì nó không chịu đi tránh mưa, chỉ lo rình rập những con chuột sắp bị nước mưa lùa ra khỏi những chỗ mà ngày thường có ba đần sáu tay nó cũng không tài nào mò vào bắt được. Nhưng lúc này thì ngoại tôi không cần nó thể hiện cái chức năng trời ban cho đấy vì đằng nào thì lũ chuột cũng sẽ chết ... đuối khi nước mưa dâng cao, nó lẩn quẩn dưới nhà chỉ làm ngoại tôi mất công vớt nó lên trong tình trạng ... ướt như chuột lột mà thôi.
Sau khi đã làm những việc "phòng thủ" thì việc cuối cùng là dùng bao tải, giẻ lau nhà, chặn những khe hở ở các cửa ra vào. Ðây là một việc làm hoàn toàn ... tuyệt vọng giống như khi đê sắp vỡ thì người ta mới hối hả dùng những bao cát chất đè lên nhau với hy vọng cỏn con là cản được phần nào sức nước lũ. Khi đã hoàn thành các nhiệm vụ phòng chống thì tôi leo lên đi văng ngồi chờ mưa ... tràn vào nhà. Lúc đầu nước mưa còn sạch lắm, có thể nhìn thấy các mẫu gạch hoa trên sàn nhà. Nước càng dâng cao thì càng đục dần vì hoà lẫn với mực nước ... cống cũng từ từ dâng theo. Rồi thì sẽ thấy vài chú gián nổi lều bều bên cạnh những vật không chờ lại gặp, không tìm lại thấy, như một chiếc dép cao su cũ đã thất lạc từ lâu, bao ny lon thủng, vài chú lính bằng nhựa của em tôi ...
Trưa hè Saigòn ngồi vắt chân thưởng thức cảnh "lụt miệt vườn" (ngoại tôi hay gọi đùa như vậy để so sánh với cái lụt lớn hàng năm ở miền trung bao giờ cũng làm dân tình xất bất xang bang cả) ngẫm nghĩ lại cũng khá thú vị các bạn ạ !!! Với điều kiện bạn … không phải bước chân ra khỏi nhà. Nhà ngoại tôi ở gần một bãi rác công cộng, nước mưa dâng lên cuốn theo hàng loạt rác rến đủ loại, người đi bộ vừa phải bì bõm chống cự với mưa, vừa phải dùng tay gạt ra các thứ rác mà tôi xin mạn phép không tả huỵch toẹt ra đây để các bạn còn đủ can đảm đọc tiếp bài văn tả cảnh "Mưa Saigòn" của tôi.
Ðó là những ký ức của tôi khi nhớ về mưa Saigòn. Mới đây nhận được thư của nhỏ bạn ở Việt nam. Nó viết "…Saigòn dạo này ngày nào cũng mưa nên cũng không nóng lắm. Hôm thứ sáu vừa rồi mưa một trận lớn, tao nghe bọn trong văn phòng nói đến mãi 9 hay 10 giờ tối tụi nó mới lóp ngóp bò được về nhà vì mưa lớn, ngập lụt khắp nơi, xe ô tô, xe gắn máy chết máy kẹt đầy đường, không có chỗ mà đi nữa. Thật là rùng rợn. Mày biết đường phố Saigòn sạch thế nào rồi, nước ngập, rác rưởi trôi lềnh bềnh táp hết vào người. Tao nhớ lại mấy chục năm trước tao bị lội mưa tràn ngập ở đường Nguyễn Thiện Thuật nhà mày rồi, kinh lắm ..."
Nếu có ai hỏi tôi:
- Trên cuộc đời này cái gì mãi là vĩnh cửu ?
Tôi sẽ không ngần ngại trả lời :
- Mưa Saigòn

Aza  Lee
(10/2008)

Cơm Muối Mè

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ..."

Cơm Muối Mè
Đặng-Đình-Nghĩa (Lão Lác)

Khoảng năm 1978/1979 tui đi vượt biên bị bắt ở Vũng Tàu. Trại đó gọi là trại Cựu Chiến Binh gần Ngã 4 Giếng Nước.Vụ của tui khá nghiêm trọng vì dùng vũ khí chống lại khi bị rượt bắt nên bị đưa vào Kỷ Luật, họ nhốt tụi tui (11 người thuỷ thủ) vào trong 2 cái conette (container) loại thùng sắt dùng để vận chuyển hàng hoá xuất nhập cảng. Chiều ngang khoảng 2.5m, dài 3m, cao 2m, cũng may là họ để dưới mái hiên chứ để ngoài trời thì giờ này tui thành BBQ rồi. Tuy vậy nắng biển nên cũng nóng và ngộp lắm. Ban ngày thì nóng, ban dêm sương xuống thì lạnh mà tụi tui mỗi người chỉ có cái wần xà lỏn vì tất cả đồ đạc cá nhân đều bị giữ khi vô kỷ luật .
Tuỳ theo mức độ người vượt biên lúc đó mà mỗi container chứa từ 3 tới 9 người, thường thì mỗi người ở kỷ luật cao lắm là 2 tuần nhưng tụi tui thì bị tới 3 tháng !!! Những lúc đông người, ban ngày trời nóng, ngộp, có người chịu không nổi nên xỉu, họ lôi ra ngoài cho nằm 1 chút rồi cho vô tiếp. Tụi Công An ở đó hay có trò chơi gọi là "Nghe Pháo Giao Thừa " tức là 1 bọn 5, 7 đứa thi nhau dùng đá , gạch chọi túi bụi vô container, tụi này nằm trong dó nghe gạch đá phang vô vách sắt đùng đùng chỉ biết bịt tai lại thôi. Nhiều khi tụi nó lựa đang giờ tụi tui ăn cơm tụi nó leo lên nóc rồi la lên : "Ê tụi bay ăn cơm với muối mè nè" rồi dùng chân dặm đùng đùng trên nóc cho cát rớt xuống, tụi tui ở trong ráng che cho cát khỏi rớt xuống chén cơm của mình nhưng cũng không tránh khỏi cho nên "cơm muối mè" của tụi tui ăn mặn nước mắt nhục nhằn đau khổ, không giống muối mè của MD muội, không giống muối mè đậu phọng của a Lé ...

Đặng Đình Nghĩa (Lão Lác)
Goergia, 05/2005

Dòng Đời

"Truyện của bạn bè
Xin lượm lặt lại những truyện của bạn bè thân thiết viết cho nhau, thường chỉ gởi qua lại bằng những emails, do đó, những câu chuyện này thường chẳng được post lên trang web nào cả, và như vậy thì rất uổng phí. Nay xin mạn phép post lên trang web này, và mời các bạn bè chúng ta cùng đọc lại ..."

Dòng Đời 
(hoặc Người Viết Thư Thuê Ở Nhà Bưu Điện Sài Gòn)
(Lê Anh Dũng)


     Đọc bài viết về ông Ngộ, người viết thư thuê ở nhà bưu điện, tôi bỗng sinh cảm hứng muốn viết vài dòng về ông.  Ba chục năm ttrước có vài lần tôi chở má của Minh đen bạn tôi gặp ông nhờ làm giấy tờ bảo lãnh đi Pháp.  Ngoài má của Minh đen, ông Ngộ còn giúp dân thành phố viết điện tín bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt một cách ngắn nhất để giảm lệ phí.  Hồi xưa ông có đi xe đạp phía trước có cái giỏ sắt, hay xách cặp táp da cũ kỹ đi làm.  Không ngờ ông Ngộ còn sống để còn biết có rất nhiều người viết về ông.
     Ngày xưa, dân trung học cấp 3 trường Lê Quý Đôn thường cúp cua tuỳ hứng, nhất là những buổi sáng tinh sương lành lạnh của những tuần trước lễ Giáng Sinh.  Bọn tôi gồm Tuấn Nguyễn, Liêm mập, Cường con, Bảo đen, Minh luộc, Minh đen, Trí râu, Hưng xì thẩu, … và tôi thường cúp cua sáng sớm đi uống cà phê vòng vòng Saigon.  Một trong các tụ điểm uống cà phê của tụi tôi là cà phê cốc vỉa hè đường Nguyễn Du, bên hông Nhà Bưu Điện thành phố, đối diện bên kia là cửa hông trường Lasan Taberd cũ (nơi tổ chức đại hội nhạc trẻ Trường Kỳ Nam Lộc của thập niên 70).  Từ khu cà phê cốc đó đi ngược về góc Nguyễn Du-Hai Bà Trưng, là nơi lãnh các thùng hàng từ nước ngoài gởi về.  Dân chợ trời tụ tập trước cửa kho hàng, thường chặn người đi lãnh quà hỏi mua quần jean, áo gió, giày Addidas, thuốc tây… nhân viên bưu điện, người đi lãnh quà, dân chợ trời và khách vãng lai thường ngồi uống cà phê ở quán cốc này.  Giữa những đám người ngồi uống cà phê hỗn độn đó, ông Ngộ ngồi một mình, trầm mặc, rất “thiền”, nhấm nháp từng ngụm cà phê trong cái ly thuỷ tinh nhỏ xíu mà người ta thường gọi là “đen nhỏ”.  Năm thì mười hoạ mới thấy ống ngồi với một người bạn già khác. 
 
     Sáng sớm bọn tôi cúp cua đi uống cà phê cốc Nguyễn Du là y như rằng sẽ gặp ông Ngộ ngồi uống cà phê một mình.  Các bạn của tôi đã từng chạm mặt vị công dân lương thiện ấy ít nhất một lần.  Gặp ông tôi chào xã giao, ông chào lại nhưng tôi biết ông chả nhớ tôi là ai.  Thường thì tôi đều nói sơ về ông Ngộ cho tụi Cường, Bảo, Tuấn, Liêm, Minh, Hưng…biết trong trường hợp nào tôi quen ông.  Ông Ngộ dáng gầy xương xương, thường mặc áo trắng cho vào quần, đeo kính cận gọng sắt, xách chiếc cặp da cũ kỹ màu cánh dế, trông ông bình thường như những ông công chức hiền lành an phận khác.  Nhưng chính vì cái dáng vẻ công chức hiền lành tóc muối tiêu, trầm tư như một ông sư đạo hạnh của ông đã lọt vào mắt cú vọ của tôi nên tôi đã có một lần kín đáo ký hoạ dáng ông ngồi… uống cà phê, trong lúc đám bạn của tôi ngồi tán dóc râm ran.  Có lúc ông ngồi uống cà phê mắt nhìn mông lung, khi thì hí hoáy viết lên cuốn tập học trò, có lúc gặp ông ngồi đọc cuốn “Những kẻ khốn cùng” (Les miserables) như thể muốn tìm hình ảnh của mình trong đó.  Rồi quán cà phê bị dẹp do chiếm lề đường trái phép, tôi bắt gặp ông dừng xe đạp trong chốc lát, ngẩn ngơ buồn.

     Đường Nguyễn Du có hai hàng me rợp mát.  Mỗi lần gió lớn làm lá me bay lả tả, ông lấy tay che ly cà phê nhỏ, sợ bụi đường và lá me rớt vào.  Ngồi giữa chợ đời bụi trần không sợ nhiễm, nhưng ông lại trân trọng ly cà phê nhỏ đánh đổi bằng mồ hôi và nhân cách của mình.  Trời se lạnh, ông cầm ly đen nhỏ bằng cả bàn tay, như muốn giữ cho ly cà phê lâu nguội, ông trân quý cái khoảnh khắc uống cà phê thú vị của buổi sáng sớm.
     Thái độ điềm đạm từ tốn, ít nói ít cười, ở ông  người ta thấy cái nét bình dị, thật thà của người đồng bằng Nam bộ, nhưng dáng đi cử chỉ giọng nói vẫn là của người Sài thành, không thể lầm được.  Ông Ngộ làm việc rất tận tâm, đắn đo từng chữ từng câu văn bất kể tiếng Pháp hay tiếng Việt, tiền công lại rất rẻ.  Có ngồi nghe ông dịch hay viết thư mới thấy trong cái dáng vẻ khiêm tốn rất bình dân đó là cả một bồ văn chương Việt Pháp.  Má của Minh đen và chắc chắn có rất nhiều khách hàng khác đã rất hài lòng với cung cách làm việc của ông Ngộ từ biết bao nhiêu năm rồi. 
     Nước Việt Nam nhiễu nhương, thành phố Sài Gòn bát nháo cần rất nhiều những ông công chức hiền lành, đạo đức, khiêm cung, những người dân thật thà và lương thiện như ông Ngộ.  Thật xúc động thay khi biết được những người công dân như ông Ngộ vẫn còn sống lẻ loi đây đó trên khắp miền đất nước, phục vụ đồng bào bằng tất cả trái tim và nhân cách của người Việt Nam của những thế kỷ trước.
     Vào một ngày đẹp trời năm xưa, lần đầu tiên nghe thằng bạn già Trí râu của tôi ôm đàn hát nghêu ngao bài My Way (Dòng đời) do Paul Anka* viết lời Anh từ lời Pháp “Comme d’habitude”, tôi rất xúc động khi nghe hắn dịch sang lời Việt.  Giờ tôi xin mượn lời bài My Way tặng ông Ngộ, nhất là câu cuối cùng: “I did it my way”.
And now, the end is near;
And so I face the final curtain.
My friend, I’ll say it clear,
I’ll state my case, of which I’m certain.
I’ve lived a life that’s full.
I’ve traveled each and every highway;
And more, much more than this,
I did it my way.
Regrets, I’ve had a few
But then again, too few to mention.
I did what I had to do
And saw it through without exemption.
I planned each charted course;
Each careful step along the byway,
But more, much more than this,
I did it my way.
Yes, there were times, I’m sure you knew
When I bit off more than I could chew.
But through it all, when there was doubt,
I ate it up and spit it out.
I faced it all and I stood tall;
And did it my way.
I’ve loved, I’ve laughed and cried.
I’ve had my fill; my share of losing.
And now, as tears subside
I find it all so amusing.

To think I did all that;
And may I say - not in a shy way,
Oh no, oh no not me,
I did it my way.
For what is a man, what has he got?
If not himself, then he has naught.
To say the things he truly feels
And not the words of one who kneels.
The record shows I took the blows -
And did it my way!
Yes, it was my way!
Lê Anh Dũng
Vaughan, Ontario
tháng 8, 2012  

Thursday, January 3, 2013

Cambodia

Ký sự Cambodia
Cửa khẩu Mộc Bài (Bavet)

 Một dinh thự bên trong thành vua


Trước hết xin nói, người Chàm (Chăm Pa) không thích bị gọi là người Hời, người Hoa không thích bị gọi là người Tàu, và người Khmer không thích bị gọi là người Miên !!!

Theo bản đồ xưa kia đang được treo trong Hoàng cung Cambodia tại Phnom Penh, thì vào thế kỷ 12, vương quốc Khmer bao gồm gần nguyên nước Thái Lan, gần nguyên cả nước Lào, dĩ nhiên gần nguyên cả Cambodia, và 1 phần phía Nam của Việt Nam hiện nay !!!

Cũng trong bản đồ đó, thì vương quốc Chăm Pa, bao gồm miền Trung Việt Nam là chủ yếu , đồng thời 1 ít lãnh thổ của Lào và Cambodia !!!

Vương quốc Khmer và vương quốc Chăm Pa là 2 vương quốc thù nghịch nhau, tuy họ có khá nhiều điểm tương tự nhau !!!

(Các tháp Chàm ở miền Trung là do người Chăm Pa xây nên, có kiến trúc rất giống các đền đài trong Angkor Wat , tức Đế Thích, do người Khmer xây nên.)

Năm 1975, Cambodia lọt vào tay Khmer Rouge, tức là Khmer Đỏ, tức là phe Cộng Sản Cambodia, và họ giết hàng triệu mạng người Cambodian, đồng thời cũng giết tất cả người Việt còn sinh sống bên Cambodia, cùng rất nhiều người Việt dọc theo biên giới !!!

Hiện nay tại Ba Chúc gần Châu Đốc còn giữ lại rất nhiều các đầu lâu và xương người Việt bị Khmer Đỏ giết !!!!

Năm 1979, VN vào giải phóng Cambodia !

Năm 1989, VN trả lại Cambodia cho người Cambodian !

Từ đó, nước Cambodia được đứng đầu bởi dòng họ vua Sihanouk (cũng như hoàng gia Anh, hoàng gia Sihanouk chỉ có mặt cho vui chứ không góp phần cai trị nước), và 2 thủ tướng, trong đó có thủ tướng Hun Sen.

Nền chính trị của Cambodia khá phức tạp, gồm hơn 10 đảng phái chính trị khác nhau !!!

Hiện nay, chỉ còn 3 đảng chính trị duy nhất, các đảng kia đã tan rã !!!

Và bọn Khmer đỏ vẫn còn tồn tại, lẩn khuất trong các đám rừng của Cambodia, giết hại, bắn hại người dân trong vùng trong 1 thời gian dài sau đó !!!!

Năm 1998, thủ tướng Hun Sen đã có 1 quyết định độc đáo, là chiêu hồi bọn Khmer đỏ, bằng cách thông báo rằng tất cả những người Khmer đỏ nào ra qui hàng, thì sẽ giữ nguyên được chức vụ, và không bị trả thù !

Điều này có nghĩa nếu bạn là đang là Thiếu uý Khmer đỏ, thì sẽ trở thành Thiếu uý của quân đội Cambodia, nếu Đại tá thì vẫn sẽ là Đại tá, tỉnh trưởng sẽ là tỉnh trưởng, quận trưởng sẽ là quận trưởng, ....

Điều này thu hút tất cả các Khmer đỏ còn lẩn khuất trong rừng ra đầu hàng chính phủ mới, từ đó, Cambodia không còn 1 bóng Khmer đỏ !!!!

Có thể nói rằng ông Hun Sen ra được 1 quyết định tuyệt vời, lấy đức báo oán, và giúp cho toàn thể người dân Cambodian trở lại cảnh sống thanh bình !!!

.
Người Cambodian

Người Cambodian nói chung là hiền lành, hoà nhã hơn người Việt rất nhiều, và giữ chữ tín, cũng không có tham vọng tranh đua, tranh giành lẫn nhau nhiều  !

Nếu có 1 số ít họ làm điều xấu, là có thể do họ học hỏi từ bọn Trung Cộng, tức là đàn anh Trung Quốc (họ học được cách giết nguời dã man từ bọn Trung Cộng mà ra), hoặc họ học được cách lanh chanh mánh lới, là do họ bắt chước ...... người Việt mình !!!

.
Ruộng lúa bao la



Đất Cambodia rất là phẳng phiu, rất thích hợp cho việc trồng lúa, nhưng người Cambodia chỉ trồng 1 năm có 1 vụ, 1 phần vì làm nhiều vụ không được vì gặp mùa nước lũ, phần khác là vì tuy chỉ làm 1 vụ lúa, nhưng lại dư sức nuôi toàn bộ dân số khoảng 5 triệu người Cambodian, do đất ruộng họ rộng bao la, thậm chí họ còn dư dã để xuất qua VN nữa !!!

.
Cổng làng



Người Cambodian không xây nhà sát đường lớn, mà thường thì họ xây nhà tuốt trong sâu, có lẽ vì tránh cái ồn, và có lẽ cũng vì như vậy thì gần với ruộng lúa hơn !

Những căn nhà nào xây sát lề đường, chắc chắn  là những căn nhà của người Việt, hoặc của người Hoa  !!!
Họ xây như vậy để tiện cho việc buôn bán, làm ăn !!!

Trước đường vào mỗi làng người Cambodian, thì có 1 cái cổng làng !!!
Cổng làng được trang trí các hoa văn ngộ nghĩnh, và được tô màu khá đẹp !!!
Chỉ cần nhìn vào cổng làng, thì thấy ngay làng này giàu hay nghèo, vì nếu cổng làng to lớn, đẹp rực rỡ, thì biết ngay đây là làng giàu, còn nếu cổng làng đơn sơ, thì biết đây là làng nhà nghèo !! :)))

.
Nhà sàn



Nhà của người Cambodian thì toàn là nhà sàn !
Có lẽ họ xây nhà sàn vì 2 lý do chính:
1) không bị chìm trong biển nước vào mùa nước lũ
2) tránh cọp beo vào nhà ban đêm

và nhà sàn của họ có lẽ không được cải tiến bao nhiêu từ cả ngàn năm nay, tức là ít có nhà nào mà có ..... restroom !!! :)))

Khách đi đường mà muốn giải quyết bầu tâm sự, chạy vô nhà họ xin đi ké, thì họ chỉ tay vào ..... bụi chuối sau hè !!! Ôi cả 1 trời gió lộng thổi vào người bạn, rất mát mẻ !!! :)))

 .
Phnom Penh
Một tượng đài tại thủ đô Phnom Penh


Thủ đô của Cambodia là Phnom Penh !!!

Hình như Phnom có nghĩa là đồi, Penh là 1 người đàn bà Cambodian mang tên Penh !!!
Vậy Phnom Penh có nghĩa là đồi của bà Pênh !!!

Bà Pênh là người có công khai phá đất Phnom Penh này !
Hiện nay, chùa bà Pênh, còn gọi là đồi bà Pênh (vì chùa được xây trên 1 ngọn đồi nhân tạo), vẫn còn nằm ngay trung tâm thành phố Phnom Penh !!!
Ngoài ra, còn có 1 tượng đài bà Pênh nằm ngay cạnh đó !!!

Khu đồi bà Pênh rộng lớn và xanh mát mắt, vì có khá nhiều cây to toả bóng, dân bản xứ đi chơi trên đồi khá nhiều, có lẽ để tránh cái nóng !!!

.
Ngã tư sông Mekong

Con sông Mekong (khi về tới VN được gọi là Mê Kông, hoặc Cửu Long) khi chảy tới Phnom Penh thì chia ra làm 4 nhánh: 1 nhánh là đi trở ngược về thượng nguồn, 1 nhánh đi về biển Hồ (Tonlesap, và 2 nhánh còn lại thì chảy về VN và trở thành sông Tiền và sông Hậu !!!

Thành phố Phnom Penh nằm ngay cạnh bờ ngã 4 sông rộng bao la này, cho nên hưởng được làn gió thoáng mát từ sông !!!

.
Khách sạn Naga World



Là khách sạn 5 sao duy nhất ở Phnom Penh, được xây dựng rất đẹp, và ngó ra con sông Mekong
.
Hoàng cung Cambodia

Bên trong hoàng cung tại thủ đô Phnom Penh

Hoàng cung nằm ngay ở vị trí thuận lợi nhất ở thủ đô Phnom Penh của Cambodia, có thể đi bộ ra sông Mekong được !!!

Nếu có vua Cambodia đang ở trong hoàng cung, thì trước cửa hoàng cung có kéo cây cờ màu xanh dương của hoàng gia lên (điều này tương tự như bên Anh, cờ hoàng gia được kéo lên trong lâu đài nào mà nữ hoàng đang cư ngụ trong đó.)

Vua Cambodia hiện nay tên là Norodom Sihamoni, con của vua Norodom Sihanouk !!
Cái tên Sihamoni là do ghép tên cha và tên mẹ mà ra:
Siha = Sihanouk
Moni = Monique

Nghe nói (nhưng không chắc lắm) là hoàng hậu Monique mang dòng máu Cambodia, pha lẫn dòng máu Pháp và dòng máu Việt !!!

Vua Sihamoni lúc còn trẻ thì được du học bên Pháp, ngài học môn ... vũ, tức là nhảy múa, nghe đồn rằng ngài là ... pê-đê, cho nên đến giờ tuy ngài đã 60 tuổi, nhưng vẫn chưa có vợ !!!

Nhân tiện xin nói là xiêm y và ngai của hoàng hậu vẫn còn để trống, vì hoàng gia chưa chọn vợ !!!

Hoàng cung Cambodia rộng lớn, rất nhiều màu sắc, cách sắp xếp các dinh thự, đền đài khá hài hoà, đẹp mắt !!!

Nếu vua không tiếp khách thì nơi vua hay tiếp khách được mở ra cho dân chúng vào xem, tuy nhiên, không ai được phép chụp hình trong đó (lần này SH hong dám chụp lén) !!!! :))
và cũng hong ai được ngồi thử lên ngai vàng !!!
(thật ra, có 1 vòng rào thấp ngăn lại, ngụ ý hong cho ai được vào gần đến ngai vàng.)

.
Chùa vàng chùa bạc

Trong hoàng cung còn có chùa vàng chùa bạc !!!
(quên tên tiếng Anh của chùa này)

Gọi là chùa vàng chùa bạc, vì trong chùa có 1 tượng bằng vàng và nền nhà trong chùa được lót bằng bạc thiệt !

Tượng vàng này thật ra là xác của 1 vị vua của Cambodia, sau này được ướp xác, và phủ bên ngoài bằng 1 lớp vàng !!!

Nền nhà bằng bạc hiện nay được che lại hầu hết, chỉ còn chừa ra 1 góc cho du khách chiêm ngưỡng !!!

Ngoài ra, trong chùa còn có 1 tượng Phật nhỏ bằng ngọc màu xanh !!!
Nghe nói bức tượng này mới là vô giá !!!!

Nói chung hoàng cung Cambodia thật là đẹp đẻ và tráng lệ, có thể nói  rằng khu thành cổ ngoài Huế của VN  thì không thể sánh bằng !!!

.
Siem Reap

Siem Reap là thủ đô cũ của vương quốc Khmer !!!
Siem Reap nằm giữa  biển Hồ (Tonle sap), và cánh rừng rộng lớn, nơi có chứa Angkor Wat (Đế Thích), và Angkor Thom (Đế Thiên.)

Dân Siem Reap thì hiền còn hơn dân Phnom Penh rất nhiều, du khách đi đường rất an tâm, vì không có xảy ra móc túi, giựt đồ bao giờ cả !!!
(ở Phnom Penh có thể có móc túi , giựt đồ, có lẽ họ học được nghề này từ .... người Việt.)

.
Angkor Wat
(Đế Thích)








Là khu đền đài to lớn nằm sâu trong rừng, chỉ mới được khám phá ra khoảng thời gian gần đây !

Ông người Pháp Henri Mouhot khi khám phá khu vực đền đài, thì ông ta nói rằng ông chưa thấy có  1 kiến trúc nào ở Châu Âu (do người La Mã hay người Hy Lạp để lại) to lớn vĩ đại đến như vậy !!!

Khu đền Angkor Wat được xây vào khoảng thế kỷ 12, chung quanh có hào nước bao bọc !!!
Nơi đây chỉ chủ yếu là nơi thờ phượng, chứ không phải là nơi để ở, do đó, chỉ thường được gọi là đền đài !
Còn hoàng cung xưa thì nằm ở khu khác, trong khu vực Angkor Thom !!!

Các đền đài trong Angkor Wat được xây khá cao, khoảng vài chục mét, bằng vô số các tảng đá lớn nặng hàng tấn, và hình như họ không dùng xi măng gì cả để kết dính các tảng đá lại với nhau !!

Các cầu thang thì được xây với góc .... 75 độ, tức là gần như dựng đứng !
Nguy hiểm hơn nữa là bề rộng của 1 nấc thang thì không đủ để chúng ta cho nguyên 1 bàn chân vào, chỉ có .... nhón gót, hay bẻ chân nằm ngang thì mới bước lên được !!!

Vì nguy hiểm như thế, cho nên cách đây 2 năm có 1 ông người Pháp trượt chân té chết, từ đó, họ không cho phép lên các đền cao này bằng các bậc thang đá, mà họ dựng 1 cầu thang gỗ để dễ đi hơn !!!
(tuy nói là dễ đi hơn, nhưng rất nhiều người nhìn thấy cầu thang gỗ này là ..... bỏ cuộc ngay, vì dốc cũng vẫn còn quá đứng, và quá cao, đứng ngửa mặt lên mới thấy đỉnh thang.)

Theo cầu thang lên tận tầng trên cùng của khu đền Angkor Wat, mới thấy phục những người xây dựng khu đền này, sao mà to lớn quá, và cao quá !!!

Không biết làm sao mà xưa kia họ đem được các tảng đá nặng hàng tấn lên đây được ???

Angkor Wat đầu tiên được xây dựng để tôn thờ các vị thần của đạo Hindu, 1 đạo của Ấn Độ (do đó, trong đền thờ còn tượng Linga và Yoni, tức là bộ phận sinh dục của Nam và Nữ), mấy trăm năm sau, thì Angkor Wat được dùng để thờ phượng Phật !!!

.
Angkor Thom
(Đế Thiên)





Angkor Thom rộng lớn hơn Angkor Wat rất nhiều, nhưng có các công trình kiến trúc nhỏ hơn, trong đó có hoàng cung xưa, đền Bayou, đền bà Khen, và khu đền mà Angelina đóng phim Tomb Raider (không nhớ tên khu đền này) !!!

Được giải thích rằng, các tảng đá xây dựng khu Angkor Thom này là các tảng đá thừa, còn sót lại lúc xây dựng Angkor Wat, sau đó được gom góp lại để xây Angkor Thom !!!

.
Đền Bayou









Được biết đến khá nhiều, vì có các tượng Phật 4 mặt, quay qua 4 hướng đông tây nam bắc !!!

.
Angelina Jolie và Tomb Raider












Bối cảnh phim Tomb Raider có các rễ cây to lớn, mập hơn thân người, quấn lấy nóc các ngôi đền là bối cảnh có thật, được quay ở Angkor Thom !!!
Khu đền này (quên tên) cũng khá rộng lớn, và có cả chục cây tương tự như vậy !!!
Cây thì mọc từ dưới đất lên, cây thì mọc từ nóc đền đi xuống, có cây nặng quá, làm sập cả mái đền !!!
(Họ để nguyên như vậy cho mình xem, chứ hong dám dọn dẹp chi cả.)

.
Đền bà Khen






Khu đền bà Khen là khu đền duy nhất còn cho phép leo lên cầu thang 75 độ !!!
Du khách phải sắp 1 hàng dài ngoằn, vì phải lên từng đợt, ai nhát thì đi lên sát vách, lấy tay vịn vào vách để ...... bò lên !!! Còn ai gan hơn thì đi ở giữa, vì ở giữa thì không có gì để vịn !!!!

Té ra lên thì cũng còn dễ, nhưng khi xuống mới khó !!!

Dốc xuống dựng đứng, cũng như dốc lên, nhưng lại không chia ra từng đợt  người đi xuống (như lúc đi lên), cho nên khá nguy hiểm !!!
Hàng ngàn người chờ đợi đi xuống, cả trăm người chen lấn nhau trên các bậc thang, chỉ cần có 1 người sẩy tay, là rớt xuống, làm té dây chuyền cả trăm người bên dưới !!!

Lúc chuẩn bị xuống, thì thấy có 1 ông Tây vì đi nhanh quá nên bị sẩy chân, xém nữa ông ta té lăn cù xuống dưới sâu thẳm, làm cũng sợ 1 chút !!!

.
Bao nhiêu cũng trả !!!


Lúc đang đi xuống, thì bất ngờ có 1 bàn tay ai nắm lấy vai SH !!!
Ngó qua thì ra là tay của 1 cô đi chung đoàn, tuổi chỉ khoảng hăm mấy, có lẽ cô ta thấy nguy hiểm quá, cho nên nắm đại vai SH lại !!!

Sh bèn nói là "vịn vai phải trả tiền !!! :)", cô ta bèn trả lời là "bao nhiêu cũng trả, vì sợ quá rồi !!!"

Chà chà, phải về nói cho vợ biết, là tấm thân bọt bèo và mập mạp này cũng còn có giá lắm, vì có người 1 đẹp sẵn sàng tuyên bố là  "bao nhiêu cũng trả !!!!"
:)))

.
Biển Hồ (Tonle Sap lake)


Biển Hồ là 1 cái hồ nước ngọt rộng lớn mênh mông nằm giữa nước Cambodia, sở dĩ người Việt gọi nó là biển Hồ, vì nó mênh mông như biển !
Còn người Cambodian thì gọi nó là hồ  Tonle Sap !!!

(Tour không có đi vào biển Hồ, nếu ai muốn đi, thì phải trả tiền riêng !!!)

Theo lời tourguide (người Cambodian, nhưng nói tiếng Việt sành sõi) thì khoảng 90% dân số sinh sống bằng nghề chài lưới chung quanh biển hồ là người ..... VN, người Cambodian chỉ là số ít sống bằng nghề này !!!

.
Các làng chài trên biển Hồ
Làng chài của người Cambodian

Làng chài của người Việt Nam

Điểm đặc biệt để phân biệt làng chài nào của VN, làng chài nào của người Cambodian, thì nhìn vào các căn nhà trong làng !!!
Nếu đó là nhà sàn, có nhiều cọc cắm xuống nền đất, thì đó là làng chài Cambodian !
Còn nếu đó là 1 chiếc ghe rộng lớn, trôi lềnh bềnh, phía dưới chẳng có cọc nào cả, thì đó là làng chài VN !!!

Làng chài VN ở Cambodia là làng chài nổi, đến mùa  nước lên, họ neo các ghe vào gần bờ hơn, khi nước xuống, họ kéo các ghe và neo vào khu vực nước còn bao la để dễ dàng cho việc chài lưới !!!
(Trong khi các làng chài Cambodian là làng chài cố định , không dời chổ gì cả.)


.
Các học sinh VN trên xứ người


Dĩ nhiên khi cha mẹ trôi lạc ở xứ người, sống lênh đênh trên ghe, và chỉ biết đánh cá, thì các trẻ em không được đi học hành gì cả !!
Hầu hết các em đều mù chữ, chẳng biết đọc, biết viết gì !!!
Do đó, trong những năm gần đây, có 1 thầy giáo VN, tình nguyện về làng chài VN, mở trường, và dạy học cho các em !!!

Dân vùng này gọi trường là trường thầy Tư, vì tên thầy giáo hình như là Nguyễn Văn Tư !
Trường chỉ là 1 vài chiếc ghe lớn, có 1 số bàn ghế ít ỏi, chỉ đủ dạy vài lớp từ lớp 1 đến lớp 5 là nhiều !
Trường sống bằng sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các khách du lịch !!!

Khi bạn ghé thăm trường, thì nhà trường sẽ gọi các em ra khoanh tay chào bạn bằng tiếng Việt, rất dễ thương !!!

Không biết sau này tương lai các em sẽ đi về đâu ???
Có em hỏi rằng, học để làm gì ??? các em chẳng thấy ích lợi gì trong việc học chữ, vì sau này khi lớn lên, các em nghĩ rằng các em cũng sẽ đi đánh cá như cha mẹ các em mà thôi, mà trong việc đánh cá, thì không cần chữ nghĩa gì cả !!!

Thiệt là khó trả lời, và cũng khó mà nghĩ ra phương cách gì để giúp các em !!!  
Jan 2013,
SH